Bình Thuận: Tái diễn tình trạng lấn chiếm đất rừng ở huyện Tuy Phong
Cơ quan chức năng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phát hiện nhiều vụ việc tụ tập thành băng nhóm, lén lút vào rừng ven biển chặt phá, cắm trụ bê tông, san ủi, làm ranh lấn chiếm đất.
Năm 2021, các ngành chức năng huyện Tuy Phong phát hiện, xử lý 11 trường hợp lấn chiếm đất rừng trồng ven biển, với diện tích 16,5 ha tại tiểu khu 55B, xã Bình Thạnh. Tổ chức lực lượng tháo gỡ trụ xi măng của 7 trường hợp, với diện tích 10,3 ha và lập hồ sơ đề nghị các ngành chức năng huyện xử lý 6 trường hợp lấn chiếm đất rừng, với diện tích 6,19 ha.
Riêng vụ việc một cá nhân lấn chiếm 3,56 ha đất rừng trồng, Hạt Kiểm lâm huyện đã trưng cầu giám định thiệt hại rừng và chuyển hồ sơ cho Công an huyện, VKSND huyện xem xét khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Ông Võ Xuân Thạnh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng sốt đất, lấn chiếm đất rừng trồng ven biển trên địa bàn huyện đã tăng trở lại. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, đơn vị chủ rừng đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp lấn chiếm đất rừng trồng, với diện tích 2.668 m2, tạm giữ 1 xe máy cày và tổ chức lực lượng tháo gỡ 397 trụ bê tông, 200 m rào kẽm gai, nhổ bỏ 795 cây trồng trên 5,62 ha của 10 trường hợp lấn chiếm đất rừng trồng.
Theo ông Thạnh, hiện nay các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với các ngành chức năng huyện tập trung kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng lấn chiếm đất rừng trồng ven biển. Đơn vị chủ rừng đã thành lập 1 chốt bảo vệ rừng tại khu vực tiểu khu 55B, xã Bình Thạnh, có sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện và UBND xã Bình Thạnh.
Đồng thời, Tổ cơ động của Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các Trạm bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm lấn chiếm đất rừng trồng để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, các Trạm bảo vệ rừng trồng của đơn vị đã kiểm tra, ngăn chặn, đẩy đuổi ra khỏi rừng trồng khoảng 25 lượt xe cải tiến vào khai thác cát trái phép và tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng kiểm tra vào thời gian cao điểm, ban đêm, các khu vực trọng điểm khai thác cát. Tiến hành chôn cột mốc ranh giới, rào kẽm gai, lập nhiều bảng cấm khai thác cát, nhằm cảnh báo, ngăn chặn, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sống gần rừng trồng cung cấp thông tin về các đối tượng lấn chiếm đất rừng, khai thác cát để tổ chức lực lượng ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, đơn vị đã rà soát, bổ sung phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, tiến hành thiết kế, thi công các công trình phòng chống cháy rừng, bằng cách phát dọn, đốt thực bì, tạo băng trắng và chuẩn bị các công cụ, dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Xây dựng kế hoạch thực tập phương án PCCCR và tổ chức thực tập cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ". Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, trực chỉ huy PCCCR 24/24 giờ và cử lực lượng thường xuyên có mặt trên tháp canh lửa để phát hiện, cảnh báo kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Được biết, nhằm tăng cường công tác phòng, chống phá rừng, mới đây Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng, chống cháy rừng tỉnh, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam, Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những khu vực điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Theo chuyên gia lâm nghiệp - GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.
Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.
Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện…
Thanh Tùng