Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/03/2022 10:00 (GMT+7)

Chậm đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa làm cao tốc Bắc - Nam

Theo dõi KTMT trên

Các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa để sớm khởi công và hoàn thiện công trình theo đúng tiến độ đề ra.

12 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông được đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km) với tổng chiều dài khoảng 729km. Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

Để thực hiện dự án thì tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 5.481ha. Trong đó, đất trồng lúa hai vụ khoảng 1.532ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1.280ha, đất dân cư khoảng 502ha, rừng phòng hộ khoảng 110ha, rừng sản xuất khoảng hơn 1.400ha, đất khác khoảng 621ha.

Cụ thể ở từng địa phương, diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng của Hà Tĩnh  là 36,1ha, Quảng Bình 61,2ha, Quảng Trị 1,5ha, Bình Định 7,5ha, Phú Yên 3,7ha. Diện tích chiếm dụng rừng sản xuất, gồm Hà Tĩnh là 179,7ha, Quảng Bình 405,4ha, Quảng Trị 59,4ha, Quảng Ngãi 91,3ha, Bình Định 150,2ha, Phú Yên 210,8 ha, Khánh Hòa 339,2 ha.

Chậm đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa làm cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1
Tổng diện tích đất chiếm dụng phục vụ dự án khoảng 5.481ha.

Theo yêu cầu của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; tổ chức thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/3/2022 để thẩm định, trình Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến ngày 24/3, Bộ này vẫn chưa nhận được kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của 7 tỉnh có diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng. Các tỉnh chưa đề nghị chuyển đổi đất rừng để phục vụ dự án gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Để bảo đảm tiến độ trên, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và tổng hợp, đánh giá nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với dự án thành phần trên địa bàn quản lý, gửi Bộ trước ngày 27/3/2022 để tổng hợp.

Cơ quan này cũng yêu cầu các Ban QLDA, đơn vị tư vấn khẩn trương cử cán bộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tổng hợp và đánh giá nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và tiếp nhận các quy hoạch, tài liệu có liên quan.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ (gồm các Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, Thăng Long) đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của từng dự án thành phần thuộc Dự án, gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan để tổ chức thẩm định; đồng thời, gửi kết quả xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên và đất trồng lúa còn lại, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất (nếu có) theo hiện trạng sử dụng đất của Dự án để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổng hợp, đánh giá theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 1246/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 11/3/2022. Do đó, việc các địa phương chậm đề nghị chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của dự án cao tốc Bắc-Nam.

S.H

Bạn đang đọc bài viết Chậm đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa làm cao tốc Bắc - Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới