Chủ nhật, 24/11/2024 04:45 (GMT+7)
Thứ hai, 12/08/2024 15:50 (GMT+7)

Bình Thuận: Tận dụng lợi thế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Theo dõi KTMT trên

Bình Thuận có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng hiện tại chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Sở hữu bờ biển dài và nguồn hải sản phong phú, Bình Thuận từ lâu đã được biết đến là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển ngành thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, tỉnh nhà đang không ngừng tìm kiếm những giải pháp để phát triển ngành nuôi biển một cách bền vững.

Bình Thuận: Tận dụng lợi thế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1
Bình Thuận là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển ngành thủy sản lớn nhất cả nước.

Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận với sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng đều qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản lượng thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016-2023 đạt 2,27%. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi biển của tỉnh đạt 552 tấn, tăng 211 tấn so với năm 2016, cùng với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 7%, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này.

Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng này là các khu vực nuôi biển ven bờ và ven đảo với 3.081 lồng nuôi tại 6 địa phương trong tỉnh, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Phú Quý, Bắc Bình, TP. Phan Thiết và Hàm Thuận Nam. Các loài có giá trị kinh tế cao như cá mú, tôm hùm, cá chim, cá bớp và ốc hương được nuôi trồng phổ biến, tạo nên nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân với lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/năm. 

Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản của Bình Thuận vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đa số các hộ nuôi hiện nay vẫn sử dụng công nghệ truyền thống với lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, sắt và thùng phuy, dễ bị hư hỏng dưới tác động của sóng gió và bão lớn. Bên cạnh đó, vùng biển Bình Thuận không có các vịnh lớn, kín gió để phát triển mạnh nuôi biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng từ bão và áp thấp nhiệt đới. Chất lượng môi trường nước không ổn định gây hiện tượng cá chết hàng loạt, đặc biệt tại vùng nuôi Phú Quý, nơi đã quá tải với số lượng lồng bè nuôi dày đặc. Việc mua giống qua lái quen với chất lượng không đảm bảo cũng là một vấn đề lớn, cùng với việc giá cả thị trường tiêu thụ không ổn định, gây nhiều rủi ro cho người nuôi.

Bình Thuận: Tận dụng lợi thế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 2
Bình Thuận đưa ra “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Để phát triển bền vững ngành nuôi biển, Bình Thuận đã đưa ra “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án này không chỉ nhằm giải quyết các thách thức hiện tại mà còn đặt nền tảng cho việc chuyển đổi từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng trên biển, góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển đang ngày càng bị cạn kiệt. Mục tiêu của đề án là chuyển đổi ngành nuôi trồng từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đưa nghề nuôi biển của Bình Thuận trở thành một ngành công nghiệp hiện đại và bền vững.

Để thực hiện thành công đề án, tỉnh Bình Thuận cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc ban hành các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, khuyến khích nuôi biển công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Đơn giản hóa các thủ tục giao mặt nước nuôi biển và bãi bỏ các rào cản hành chính cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Chính phủ cũng cần bổ sung các loài nuôi chủ lực vào danh mục được hỗ trợ theo các nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.

Bình Thuận: Tận dụng lợi thế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 3
Tập trung phát triển ngành nuôi trồng thủy sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận. 

Với tiềm năng phát triển nuôi biển, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, tập trung phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ giúp giảm áp lực cho khai thác thủy sản, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trong tương lai. Đề án này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo của tổ quốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh là những yếu tố quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản của Bình Thuận ngày càng phát triển.

Bích Hạnh

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Tận dụng lợi thế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới