Chủ nhật, 24/11/2024 10:06 (GMT+7)
Thứ ba, 28/09/2021 09:00 (GMT+7)

Bồ Đào Nha đặt cược vào sự phát triển của năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Từ một trang trại gió khổng lồ nổi giữa sóng biển cho đến hàng trăm tấm pin mặt trời trên bề mặt của một hồ chứa có đập, Bồ Đào Nha đang khám phá những cách thức sáng tạo để tăng cường năng lượng tái tạo.

Đắm mình trong ánh nắng quanh năm và giáp với Đại Tây Dương, Bồ Đào Nha được nhiều người trong lĩnh vực năng lượng tái tạo coi là địa điểm hoàn hảo để thu năng lượng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên như mặt trời, gió và nước.

Theo Reuters, các công viên năng lượng mặt trời và tuabin gió đã trở thành một phần cảnh quan của Bồ Đào Nha từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, mặc dù khoảng 70% lượng điện được tạo ra là từ các nguồn tái tạo, quốc gia này vẫn dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.

Bồ Đào Nha đặt cược vào sự phát triển của năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Các tuabin gió của Dự án WindFloat Atlantic cách bờ biển 20 km ở Viana do Castelo, Bồ Đào Nha. (Nguồn: Reuters)

Cắt giảm nhiên liệu hóa thạch được coi là chìa khóa để đáp ứng cam kết của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C trong thế kỷ này.

Khi châu Âu phải đối mặt với giá điện tăng cao do giá khí đốt tăng trên toàn cầu, Bồ Đào Nha - nơi gần 20% dân số phải vật lộn để giữ ấm cho những ngôi nhà vẫn không từ bỏ giấc mơ về phát triển năng lượng tái tạo.

Khoảng 18 km (11 dặm) ngoài khơi bờ biển của thành phố cảng phía Bắc Viana do Castelo, 3 tuabin gió khổng lồ ngoài khơi được gắn trên các cấu trúc nổi khổng lồ bằng nhau, được neo bằng dây xích xuống đáy Đại Tây Dương.

Jose Pinheiro, Giám đốc dự án của WindFloat Atlantic, một tập đoàn bao gồm Engie của Pháp (ENGIE.PA), EDP Renovaveis, Repsol (REP.MC) và Principle của Bồ Đào Nha cho biết: “Đây là một trong những trang trại gió nổi ngoài khơi lớn nhất trên thế giới“.

Bồ Đào Nha đặt cược vào sự phát triển của năng lượng tái tạo - Ảnh 2
Các tấm pin mặt trời của dự án thí điểm Công viên quang điện mặt trời nổi Alto Rabagao tại lưu vực sông Rabagao, Montalegre, Bồ Đào Nha. (Nguồn: Reuters)

Việc lắp đặt các tuabin ở vùng biển sâu, nơi có gió mạnh, cho phép nó khai thác nhiều năng lượng hơn các cấu trúc thông thường trên bờ. Cuối cùng, nó sẽ làm cho điện rẻ hơn và Bồ Đào Nha ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn.

Tuy vậy nhiều thách thức vẫn tồn tại. Pinheiro không tiết lộ chi phí dự án là bao nhiêu nhưng việc xây dựng ngoài khơi luôn đắt đỏ.

Một nghiên cứu do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tài trợ cho biết chi phí năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ có thể giảm tới 49% vào năm 2050.

Các trang trại điện gió ngoài khơi cũng vấp phải sự phản đối của các cộng đồng ngư dân vì họ không được phép đánh bắt cá xung quanh giàn khoan hoặc gần cáp dưới nước nối chúng với đất liền.

"Chúng tôi bị giới hạn ở phía Nam bởi những chiếc cối xay gió và ở phía Bắc là biên giới với Tây Ban Nha. Tất nhiên điều này ảnh hưởng đến chúng tôi", ngư dân kỳ cựu Vasco Presa tại một làng chài nhỏ gần Viana do Castelo cho biết.

Cách Viana do Castelo hai giờ lái xe, nhiều giải pháp về điện mặt trời nổi đang được đưa vào thử nghiệm.

Bồ Đào Nha đặt cược vào sự phát triển của năng lượng tái tạo - Ảnh 3
Công viên quang điện mặt trời nổi Alto Rabagao tại Montalegre, Bồ Đào Nha. (Nguồn: Reuters)

EDP - ​​Tập đoàn điện lực lớn nhất của Bồ Đào Nha đã lắp đặt một nhà máy điện mặt trời quang điện nổi vào năm 2017, với tổng cộng 840 tấm pin mặt trời trên mặt nước của đập Alto Rabagao. Hiện nó đang xây dựng một dự án tương tự lớn hơn trên đập Alqueva ở phía Nam.

Giám đốc EDP địa phương Nuno Guedes nói rằng, việc đặt các giàn năng lượng mặt trời nổi trên các con đập mang lại lợi ích to lớn vì chúng bổ sung cho việc sản xuất thủy điện, tái sử dụng các cơ sở hiện có và tránh sử dụng nhiều đất hơn.

"Điều này sẽ giúp chúng tôi trên con đường hướng tới sự bền vững và một xã hội khử cacbon", ông cho biết thêm.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Bồ Đào Nha đặt cược vào sự phát triển của năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới