Chủ nhật, 24/11/2024 12:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/10/2022 05:59 (GMT+7)

Bộ Tài Chính đề nghị điều chỉnh tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá xăng dầu cơ sở, năm 2022, Bộ Tài chính đã có thông báo chi phí định mức để Bộ Công Thương tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định.

Ngày 7/10, Bộ Tài chính có công văn số 10281 gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.

Bộ Tài Chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Bộ Tài Chính đề nghị điều chỉnh tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu - Ảnh 1
Bộ Tài Chính đề nghị điều chỉnh tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. (Ảnh minh họa: Internet)

Bộ này cho biết thêm, hiện nay Nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.

Chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống. Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.

Theo Bộ Tài Chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và ở mức cao, để kiềm chế tác động của giá xăng dầu tăng, Nhà nước đã áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá, trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế này từ ngày 11/7 để góp phần bình ổn giá xăng dầu và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu.

Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thời gian vừa qua cho thấy từ tháng 7 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm. Đồng thời, dù còn nhiều khó khăn, công tác kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, dẫn tới quyết định điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.

Từ ngày 3/10 vừa rồi, mỗi lít xăng giảm 1.050-1.140 đồng, dầu hạ 330-760 đồng, đưa giá xăng RON 95-III về gần 21.000 đồng/lít, ngang hồi giữa năm 2021.

Bộ Tài chính cũng cho biết thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu vẫn được thực hiện thuận lợi. Để rút ngắn hơn thời gian thông quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương thực hiện thông quan nhanh chóng, 24/7 đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, kể cả ngày nghỉ, lễ.

Premium trong nước chỉ có giá trị để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua từ thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu trong kỳ tính toán.

Premium đưa vào tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với xăng dầu lớn hơn 0%). Giá thế giới bình quân làm cơ sở so sánh được xác định trên cơ sở bình quân theo sản lượng của giá xăng dầu thế giới thực tế mua bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ tính toán.

Hà Ly

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài Chính đề nghị điều chỉnh tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới