Chủ nhật, 24/11/2024 07:46 (GMT+7)
Thứ năm, 21/01/2021 10:13 (GMT+7)

Bộ trưởng TN&MT: Quy hoạch môi trường phải ‘đi trước một bước’

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bảo vệ môi trường là cả ở trên đất liền, biển, không khí… cho nên quy hoạch môi trường phải “đi trước một bước” để từ đó định hướng các quy hoạch khác trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Báo cáo tại cuộc họp về triển khai những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng cục Môi trường diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, trong 10 năm tới, việc chuyển đổi số và bảo vệ môi trường sẽ được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu.

Các nước châu Âu đã đặt kinh tế tuần hoàn lên ưu tiên số một để hướng tới một nền kinh tế không rác thải vào năm 2050. Do đó, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số.

Bộ trưởng TN&MT: Quy hoạch môi trường phải ‘đi trước một bước’ - Ảnh 1
Cần giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, môi trường nước ta vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Cả nước hiện có 280 khu công nghiệp đang hoạt động; 846 đô thị; 4.575 làng nghề, gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 31.668 trang trại nông nghiệp; 13.674 cơ sở khám, chữa bệnh; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hơn 3,6 triệu xe ôtô, hàng chục triệu xe gắn máy đang lưu hành; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực.

Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại nhưng hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết như:

Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân; Rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả. Rác thải điện tử, chất thải nhựa sử dụng một lần, túi nilon không được thu gom, xử lý đúng cách; Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.

Yêu cầu đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt đặt ra cấp bách trong khi nguồn vốn còn hạn chế, các chính sách xã hội hóa chưa hiệu quả. Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng. Các loài động, thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen…

Bộ trưởng TN&MT: Quy hoạch môi trường phải ‘đi trước một bước’ - Ảnh 2
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo TN&MT)

Theo báo TN&MT, kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong đó tập trung xây dựng các văn bản dưới Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua; tiếp tục xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về môi trường… kèm theo đó là cơ chế chính sách tài chính, quy chuẩn, công nghệ kỹ thuật đồng bộ triển khai.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp tục tăng cường năng lực cho công tác quan trắc môi trường; xây dựng quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với công tác khoa học công nghệ, Bộ trưởng đề nghị phải hoàn thiện chính sách để nâng cao năng lực hơn nữa để đáp ứng được các yêu cầu về đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành phục vụ cho công tác quản lý, giám sát. Trong đó, tổng cục cần phải phối hợp với các đơn vị trong bộ để xây dựng nền tảng khoa học một cách thống nhất, đồng bộ tránh kiểu “trăm hoa đua nở”, và có cơ chế phân công trách nhiệm của từng đơn vị.

Là cơ quan quản lý tổng hợp các nguồn lực của đất nước, trong công tác xây dựng các quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Tổng cục cần chỉ đạo nhiệm vụ này một cách quyết liệt. Bởi vì bảo vệ môi trường cả ở trên đất liền, biển, không khí… cho nên quy hoạch môi trường phải “đi trước một bước” để từ đó định hướng, định hình và yêu cầu các quy hoạch khác trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị bên cạnh công tác truyền thông cần phải sớm đưa các mô hình bảo vệ môi trường tốt để triển khai rộng rãi. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo, cán bộ Tổng cục Môi trường cần thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý, đưa ra các giải pháp đa dạng, tập hợp được trí tuệ tập trong việc triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, thể hiện với trách nhiệm đất nước, với người dân.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng TN&MT: Quy hoạch môi trường phải ‘đi trước một bước’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới