Chủ nhật, 24/11/2024 05:55 (GMT+7)
Thứ ba, 16/06/2020 07:01 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành

Theo dõi KTMT trên

Ngày 15/6, tại kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIV), Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã giải trình về quản lý tài nguyên đất và chống ô nhiễm môi trường...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội.

Sửa đổi toàn diện, thận trọng cơ chế, chính sách pháp luật đất đai

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian qua, xuất phát từ 7 vấn đề vướng mắc, khó khăn về đất đai, Bộ TN&MT đã trình để sửa đổi một số điều của Luật Đất đai. Thế nhưng, đến nay hầu hết các chủ trương, vấn đề khó khăn, vướng mắc chúng ta đã được tiếp thu và sửa ngay trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và có 2 nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 60 liên quan đến vấn đề quản lý đất đai trong lĩnh vực về cổ phần hóa và 10 nghị định của Chính phủ để thực hiện việc tổ chức triển khai luật năm 2013.

Về nhu cầu và những vấn đề vướng mắc của một số điều của luật thì về cơ bản đến nay Quốc hội, Chính phủ gần như đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Chính phủ đã tham mưu, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ TN&MT cùng Ban Kinh tế Trung ương đã sơ kết Nghị quyết số 19 về chủ trương chính sách đất đai cho giai đoạn 2016-2021 và đưa ra rất nhiều vấn đề, trong đó vấn đề tổ chức, nhiều vấn đề cơ chế, chính sách pháp luật.

Như vậy, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36 khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ là một số điều nữa mà phải sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách pháp luật. Việc sửa đổi liên quan rất nhiều đối tượng nên cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến vấn đề thực tiễn. Đặc biệt chú ý hơn 60% những người đang sử dụng đất. Đây là những người nông dân ở nông thôn và nhiều vấn đề hệ trọng, quan trọng khác cần phải tổng kết cả lý luận và thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chính phủ cũng đã hai lần đưa ra nội dung và phương pháp và Ban Chỉ đạo hiện nay cũng đang tiếp tục thực hiện, vừa đánh giá tổng kết Nghị quyết 19, vừa tiến hành sửa đổi toàn diện về nội dung. Khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách pháp luật đất đai cho giai đoạn 2021-2030 thì Chính phủ sẽ có ngay dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội.

Phải coi chống ô nhiễm môi trường như chống giặc

Về vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đây là một vấn đề liên quan an ninh tài nguyên nước như chúng ta nói một thành phần môi trường. Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã đưa lên tại nghị trường trong 4 kỳ họp vừa qua và đặc biệt là ý kiến của nhiều nhà khoa học và nhân dân đã được Chính phủ nhận diện, xác định và thực hiện cam kết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Luật Bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu thay đổi một cách toàn diện, cách mạng, để làm sao đạt được mục tiêu các thành phần môi trường đang ô nhiễm, xu thế suy thoái môi trường, mất cân bằng môi trường hiện nay phải đảo ngược. Đồng thời, đảm bảo thực hiện được Hiến pháp, đó là đảm bảo cho chất lượng và quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành - Ảnh 2
Phiên họp toàn thể tại Hội trường ngày 15/6.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, toàn bộ quan điểm, chủ trương chỉ đạo đã được Bộ Chính trị thông qua Kết luận số 65 khi sơ kết Nghị quyết số 24 về vấn đề chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cũng như là tăng cường công tác quản lý TN&MT đã khẳng định, phải coi đầu tư trong môi trường là đầu tư cho phát triển và không hy sinh môi trường. Cũng như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rất nhiều lần là chúng ta phải thực sự lấy môi trường để làm mục tiêu cho phát triển.

"Toàn bộ quan điểm này đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường và trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường này có nhiều vấn đề rất thiết thực, sát sườn với người dân như nước thải và xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt. Hiện nay, trong luật đã đưa ra quan điểm là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền. Người được sử dụng dịch vụ về môi trường thì phải chi trả. Cùng với đó, chúng ta cần phải có sự tham gia, tức là Nhà nước sẽ cam kết đầu tư vào những vấn đề môi trường do lịch sử để lại có từ trước. Người dân và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm trong vấn đề triển khai thực hiện, kể cả vấn đề giám sát, khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành TN&MT, nếu chúng ta quản lý và phân loại kỹ càng thì 40% chất thải sẽ là tài nguyên khi được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Việc xử lý này người dân tham gia trực tiếp sẽ có lợi về vấn đề bảo đảm môi trường, kinh tế.

Chính phủ sẽ có tính toán dựa trên kinh nghiệm quốc tế để đưa ra lộ trình hỗ trợ bài bản, kịp thời cho những người dân khó khăn. Những chính sách này sẽ do chính người dân và địa phương bàn bạc triển khai. Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường cũng quy định rất cụ thể sự tham gia và vai trò chủ đạo của các tổ chức như là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng với tinh thần truyền thống của dân tộc khi chống giặc thì vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là một kẻ thù. Chúng ta phải có quan điểm đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm môi trường như chống giặc. Với tinh thần đoàn kết của nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội sẽ giúp cho Luật Bảo vệ môi trường thực tế là một luật đưa vào cuộc sống để đảm bảo chất lượng cho sức khỏe người dân.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới