Chủ nhật, 24/11/2024 05:19 (GMT+7)
Thứ ba, 30/08/2022 08:25 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26

Theo dõi KTMT trên

Ông Alok Sharma - Chủ tịch COP26 rất coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.

Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và việc với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 để thảo luận về việc thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tại COP26 và hướng tới COP27.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng Ngài Alok Sharma, Chủ tịch COP26, cùng các đồng nghiệp tại Vương quốc Anh và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đến làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại trực tiếp ngài Chủ tịch COP26 sau 6 tháng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26 - Ảnh 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 về việc thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và hướng tới COP27.

Theo Bộ trưởng, trong 6 tháng qua, ông và Ngài Chủ tịch COP26 đã có 2 cuộc họp online để thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm. Với việc chỉ trong vòng 6 tháng, Ngài Chủ tịch đã có chuyến thăm lần thứ hai đến Việt Nam. Điều đó cho thấy, cá nhân Ngài và Vương quốc Anh rất coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng.

Cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại buổi làm việc, ông Alok Sharma đã trao đổi với Bộ trưởng về việc triển khai cam kết tại COP26; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050 của Việt Nam và kế hoạch cập nhật NDC của Việt Nam cũng như về nội dung Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.

Nỗ lực của Việt Nam

Chia sẻ tại buổi tiếp ông Alok Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, kể từ sau chuyến thăm trước của Ngài, với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050;

Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan và nhiều văn bản quan trọng khác nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26. Cùng với đó, ngay đầu tháng 9 này, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các đối tác quốc tế.

Về Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050 của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi chủ trì xây dựng đã đưa vào các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức và nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu; đặt ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng “0”; đề xuất nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Nội dung NDC năm 2022 sẽ bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, tập trung xây dựng NDC cập nhật và sẽ gửi Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước Hội nghị COP27.

Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

Về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rất coi trọng việc hoàn tất đàm phán Tuyên bố chính trị về JETP để báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, Ngài Chủ tịch COP26 phối hợp trong chỉ đạo Nhóm làm việc kỹ thuật của 2 bên đàm phán để đi đến thống nhất trong nhận thức và tiến đến thống nhất nội dung Tuyên bố chính trị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng trao đổi với Ngài Chủ tịch COP26 về một số điểm chính cần làm rõ liên quan đến JETP. Cụ thể là cần phải đưa quan điểm công bằng, công lý trong ứng phó với BĐKH xuyên suốt quá trình đàm phán và thực hiện Tuyên bố chính trị JETP để đảm bảo trách nhiệm của các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Cùng với đó, cần gắn kết JETP với các cơ chế hợp tác đã được thống nhất trong Công ước và Thỏa thuận Paris nhưng đến nay chưa được thực hiện, như việc huy động 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể xem xét sử dụng hỗ trợ từ cơ chế này để bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng chắc chắn sẽ tác động đến xã hội: doanh nghiệp và người dân. Với người dân, chuyển đổi phải bảo đảm lợi ích cho họ, nhất là những người ở lĩnh vực, khu vực bị tác động từ quá trình chuyển đổi. Việc chuyển đổi phải đảm bảo được khả năng chi trả của người dân và của nền kinh tế đối với giá năng lượng sau chuyển đổi; phải đi kèm với việc đào tạo và đào tạo lại nhân lực, tạo việc làm mới, đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn sau quá trình chuyển đổi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26 - Ảnh 2
Toàn cảnh buổi tiếp Chủ tịch COP26

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, Ngài Chủ tịch COP26 xem xét chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn của hai bên có thể tổ chức các cuộc họp kỹ thuật theo hình thức trực tuyến, lựa chọn một số vấn đề chính như phương pháp luận tính toán về lượng phát thải, thời gian đạt đỉnh phát thải trong lĩnh vực điện, năng lượng… và vấn đề về cơ chế hỗ trợ tài chính, để cung cấp một bức tranh tổng thể về JETP.

Ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được thông qua chia sẻ của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng với những kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các cam kết đó.

Chủ tịch COP26 cũng tán thành quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là cần có cơ quan điều phối để các bên khi tiến hành hợp tác sẽ thống nhất được các điều kiện về cơ chế chính sách, tài chính để cùng hướng tới mục tiêu đã cam kết và hướng tới COP27. Đồng thời, cam kết tiếp tục vận động các bên cung cấp nguồn tài chính ổn định, rõ ràng về tổng vốn và lộ trình cung cấp cho Việt Nam để chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ngọc Khánh

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới