Chủ nhật, 24/11/2024 09:53 (GMT+7)
Thứ năm, 13/01/2022 15:12 (GMT+7)

Bộ Y tế yêu cầu 'siết chặt' công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.

Phân công trực 24/24

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

Phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết. Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế yêu cầu 'siết chặt' công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1
Bộ Y tế yêu cầu 'siết chặt' công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán.

Cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng Covid-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron

Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực Covid-19. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyển hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; kịp thời cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện.

Nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới. Củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn.

Các địa phương huy động sự tham gia của các cơ sở tư nhân trong thu dung, điều trị người bệnh Covid-19; đội ngũ tình nguyện viên tham gia tư vấn, chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh ngay tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh tại cộng đồng, điều phối chuyển tuyến.

Quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.

Cùng đó, các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đủ lượng oxy y tế; có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu.

Tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời tuyến dưới khi có dịch

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tổ nguy cơ gây dịch.

Phối hợp với các địa phương tiếp nhận mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.

Chủ động nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh và bảo đảm đủ vật tư, hóa chất, thiết bị chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.

Về phía các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa.

Tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực về thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 cho nhân viên y tế.

Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh: Chuẩn bị dự trữ đầy đủ oxy y tế, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; có phương án dự phòng, chuẩn bị cơ sở điều trị khi dịch xảy ra trên diện rộng; đảm bảo cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm..

Hà Nội có 505 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch

Trong ngày 12/1, Hà Nội ghi nhận 2.965 ca bệnh trong đó 17 ca nhập cảnh, 2948 ca trên địa bàn thành phố (gồm 670 ca cộng đồng và 2278 ca đã được cách ly).

Số ca mắc mới trên địa bàn thành phố ở 395 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận số ca mắc nhiều trong ngày như: Ba Đình (116); Hoài Đức (111); Bắc Từ Liêm (98); Long Biên (94); Hoàn Kiếm (93); Đống Đa (83)…

Hiện, toàn thành phố có 53.315 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.157), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.335), cơ sở thu dung quận, huyện (5.820), theo dõi cách ly tại nhà (42.652). Số ca tử vong trong ngày 12/1 là 13 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 294 người.

Ở lần cập nhật mới nhất ngày 12/1, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ghi nhận Hà Nội có 1.989 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.091 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 505 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 17,4% so với trung bình một tuần trước). Trong đó, 443 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 18 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 10 người thở máy không xâm lấn và 34 ca thở máy xâm lấn.

Về công tác tiêm chủng, trong ngày 12/1, toàn thành phố Hà Nội tiêm được 42.277 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là 13.392.358 mũi tiêm; 225.083 mũi bổ sung và 1.183.944 mũi vaccine nhắc lại.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế yêu cầu 'siết chặt' công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới