Chủ nhật, 24/11/2024 06:45 (GMT+7)
Thứ tư, 25/03/2020 09:16 (GMT+7)

'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều nền kinh tế hùng mạnh dường như đã “chao đảo” khi dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, không kịp chống đỡ. Sự lây ra quá nhanh trên phạm vi toàn cầu, trong hơn 2 tháng qua, đã khiến hàng loạt Chính phủ các nước cuống cuồng tung ra gói hỗ trợ tài chính cho y tế cộng đồng, “giải cứu” kinh tế trước nguy cơ khủng hoảng.

Kinh tế “thấm đòn” vì dịch Covid-19 kéo dài

Ở khu vực châu Á, Trung Quốc – nơi là “tâm chấn” khởi phát dịch bệnh Covid-19 đã trải qua những ngày tháng tồi tệ nhất với hơn 81 nghìn ca nhiễm, hơn 3.300 ca tử vong. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “thấm đòn” vì khủng hoảng dịch bệnh sau khi phong thành, đóng cửa nhà máy, hạn chế đi lại... kéo theo làm “tê liệt” chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu từ dược phẩm tới điện tử. Nhiều tập đoàn toàn cầu như Apple, Microsoft, P&G lao đao vì phụ thuộc vào “công xưởng thế giới” này.

Ngày 13/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành cắt giảm tỉ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có đủ điều kiện từ ngày 16/3, giúp giải phóng 550 tỉ NDT (khoảng 78,57 tỉ USD) các khoản tiền dài hạn để “bơm” ra hỗ trợ nền kinh tế trong nước đang điêu đứng, giảm tốc vì dịch bệnh. Đồng thời, tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong nước được cắt giảm xuống 200 điểm cơ bản, điều này có nghĩa là có thể bơm 460 tỉ USD, tương đương 3% GDP vào nền kinh tế.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ bơm khoảng 1.200 tỉ NDT (khoảng 174 tỉ USD) thông qua gói tài khoá về cắt giảm thuế, để hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng hồi phục.

Mặc dù đã kiểm soát được sự lây lan virus corona song các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn cũng như cần thời gian để hồi phục.

'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19? - Ảnh 1
Trung Quốc bơm 174 tỉ USD để cứu nền kinh tế “chao đảo” trong đại dịch Covid-19.

Ở bên ngoài Trung Quốc, các nước ở khu vực châu Á cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 do tốc độ lây nhiễm virus quá nhanh, không kịp trở tay, đóng cửa biên giới, giao thương đình trệ. Nhận định tình thế nguy cấp của dịch bệnh, lãnh đạo nhiều nước đã đưa ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp kèm các gói tài chính lớn để hỗ trợ kinh tế trước nguy cơ sụp đổ.

Là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 ở châu Á, khi số ca nhiễm vượt 5.000 người, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Chính phủ nước này sẽ bơm hơn 30 nghìn tỉ won (tương đương 25 tỉ USD) vào nền kinh tế để cứu vãn tình hình. “Cả nước đã bước vào cuộc chiến với bệnh truyền nhiễm”, ông Moon nói và yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ phải hoạt động suốt ngày đêm. Các ngân hàng cũng tiến hành giảm mạnh lãi suất.

Còn ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau, bao gồm đề xuất tạm thời cắt giảm thuế tiêu dùng của các nhà lập pháp đảng cầm quyền, để hỗ trợ nền kinh tế đang bị “giáng một đòn khá lớn” từ sự bùng phát dịch Covid-19. Ông Abe cũng nhấn mạnh “những bước đi táo tạo, chưa từng có” của Chính phủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh trong mục tiêu trước mắt, sau đó đưa nền kinh tế Nhật Bản trở về quỹ đạo.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang theo dõi sát diễn biến của dịch vì thiệt hại mà nền kinh tế Nhật Bản hứng chịu có thể không nhỏ nếu dịch bệnh kéo dài và phá vỡ chuỗi cung ứng. Do đó, quan điểm của cơ quan này là sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa mà “không do dự”, song việc nới lỏng chính sách hiện chưa cần thiết vào thời điểm hiện nay.

Hàng loạt các quốc gia châu Á khác cũng hứng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, đang ngày đêm “gồng mình” trong cuộc chiến dập dịch, duy trì kinh tế. Philippines ngày 16/3 đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 27,1 tỉ peso (khoảng 526 triệu USD) nhằm đối phó với dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế vì dịch, Thái Lan thực thi hàng loạt chính sách phòng dịch, tính tới kịch bản xấu nhất, trong đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn còn không gian chính sách tiền tệ cho những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo nhằm xoa dịu tác động của đại dịch Covid-19.

Mỹ bơm tới 4.000 tỉ USD trong cơn hoảng loạn

Là quốc gia có hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 với hàng trăm người tử vong, Mỹ đã liên tiếp tung ra các gói cứu trợ, nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch. Ngày 3/3, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất đến 0,5%, đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính sách thường kỳ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chưa đầy 2 tuần sau đó, ngày 15/3, FED hạ tiếp lãi suất xuống còn 0% đến 0,25%.

Trước sự lây lan quá nhanh của dịch và khó kiểm soát, ngày 18/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 104 tỉ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với dịch, trong đó gói chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí, người lao động được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm. Đây là gói hỗ trợ thứ hai được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.

'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19? - Ảnh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chưa dừng lại, Bộ Tài chính và FED đang lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4.000 tỉ USD để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch trong 90-120 ngày sau đó.

"Kinh tế Mỹ sẽ bị tấn công bởi Covid-19, nhưng sẽ phục hồi khi tình hình được kiểm soát", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói. Chương trình cho vay này sẽ được thực hiện cùng gói kích thích tài khóa trị giá 2.000 tỉ USD đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ cùng các biện pháp hỗ trợ bổ sung nếu cuộc khủng hoảng không giảm trong 10 đến 12 tuần tới.

Nhiều bang lớn của Mỹ gồm New York, California, Illinois, Connecticut và New Jersey đã được đặt vào tình trạng khẩn cấp, giới hạn đi lại của hơn 1/4 dân số Mỹ, tương đương 80 triệu người bị cô lập.

“Mọi trường thường chú ý vào vấn đề suy thoái, nhưng đó là chuyện bình thường của một chu kỳ kinh tế. Còn hiện nay lại là một tình huống đặc biệt mà chúng tôi chưa từng trải qua trước đây", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin nói. Và do tình huống đặc biệt, Chính phủ tự quyết định đóng cửa phần lớn nền kinh tế và sẽ mở trở lại khi kiểm soát được tình hình.

Châu Âu tung gói cứu trợ “khẩn cấp” vì chủ quan

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây thừa nhận rằng, giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, dẫn tới dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh... Các quốc gia thành viên đã đưa ra những lệnh giới nghiêm và sau đó là phong toả nhiều thành phố là “ổ dịch Covid-19”, cũng như phối hợp chặt chẽ với các nước Liên minh châu Âu (EU) để chống dịch bệnh.

'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19? - Ảnh 3
Dịch Covid-19 đã “càn quét” Italy với số ca nhiễm bệnh và tử vong vượt Trung Quốc.

Dịch bệnh đến sau nhưng ngày càng lan rộng và cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước châu Âu. Italy là nơi virus corona khởi phát, lây lan với tốc độ chóng mặt, cũng là nơi số ca nhiễm bệnh và tử vong vượt Trung Quốc do tỉ lệ người cao tuổi đứng thứ hai thế giới cũng như sự chủ quan phòng dịch.

Tính đến ngày 23/3, Italy ghi nhận hơn 59.138 ca nhiễm Covid-19 (tăng 70% sau 4 ngày) và hơn 5.476 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tăng cao nhất thêm 4.207 ca vào ngày 19/3.

Để bù đắp những tổn thất cho nền kinh tế, Chính phủ Italy đã lên kế hoạch “bơm” 7,5 tỉ Euro (8,5 tỉ USD) để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty trong ngành du lịch chống chọi với dịch bệnh trong thời gian tới.

Chính phủ Italy có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng cách miễn trừ tiền thế chấp mua nhà, một số khoản thanh toán thuế, ngừng khấu trừ các khoản thanh toán và đóng góp từ tiền lương cho các quỹ thuế khác nhau của Italy.

'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19? - Ảnh 4
Những bệnh nhân may mắn được điều trị khi bệnh viện tại Italy quá tải vì người nhiễm Covid-19 quá đông.

Trong bài phát biểu trực tiếp toàn quốc ngày 19/3, Thủ tướng Merkel cho biết Chính phủ Đức sẽ nỗ lực hết sức để bù đắp cho những tác động về kinh tế do dịch gây ra, trong đó có việc phải bảo đảm việc làm cho người lao động. Đức sẽ chi một khoản tiền không giới hạn, ít nhất là 550 tỉ Euro, nhằm trợ giúp đến cùng các doanh nghiệp nước này vượt qua cơn khủng hoảng dịch bệnh. Đây là gói tài chính lớn nhất mà Chính phủ Đức tung ra kể từ sau Thế chiến II nhằm cứu nền kinh tế nước này khi có 26.220 người nhiễm và hơn 111 người tử vong.

Tại Pháp, nơi ghi nhận hơn 16.481 ca nhiễm bệnh, Chính phủ quyết định ban bố lệnh phong toả toàn quốc và triển khai một cơ chế trợ giúp thất nghiệp đặc biệt, trong đó chi trả khoản bồi thường cho người lao động buộc phải nghỉ việc ngắn hạn. Ngoài ra, thông qua Ngân hàng Đầu tư công, Chính phủ sẽ bảo lãnh các khoản vay ngân hàng cho các công ty vừa và nhỏ, lên mức 90%.

Chính phủ Pháp sẽ huy động 45 tỉ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, thông qua việc hoãn trả các khoản thuế, đóng góp xã hội và chi phí (điện, nước, tiền thuê địa điểm…).

Pháp còn đứng ra bảo lãnh 300 tỉ euro cho các khoản tín dụng giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vì hoạt động kinh tế và sản xuất đình trệ.

'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19? - Ảnh 5
Người dân xếp hàng dài để chờ vào siêu thị Costco ở thị trấn Watford, Anh hôm 19/3. Ảnh: Reuters

Bị chỉ trích “phản ứng chậm” với dịch Covid-19, giới chức lãnh đạo y tế của Anh thừa nhận dịch Covid-19 có khả năng kéo dài thêm 12 tháng nữa và gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Theo kịch bản xấu nhất này, đến lúc đó, có thể 80% dân số Anh bị nhiễm virus corona và tối đa 15% (7,9 triệu người) có thể nhập viện.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/3 đưa cảnh báo nước này hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tương tự như Italy nếu người dân không tuân thủ một cách có trách nhiệm những khuyến cáo phòng chống dịch của Chính phủ. Đến lúc này, toàn Vương quốc Anh có tới 5.683 ca dương tính Covid-19, hơn 281 ca tử vong.

Hàng ngàn tỉ USD đã được các nước giàu “chi” ra nhằm giảm thiểu những tác động của đại dịch Covid-19 đối với đời sống cũng như nền kinh tế. Chi phí này vẫn chưa dừng lại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vực dậy nền kinh tế trong cơn suy thoái “kép” là không dễ dàng.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết 'Bơm' hàng tỉ USD có giúp các nước thoát suy thoái kinh tế vì Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới