Chủ nhật, 24/11/2024 08:29 (GMT+7)
Thứ tư, 09/11/2022 07:30 (GMT+7)

BR-VT: Chưa có sự đồng bộ trong cơ giới hóa nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh BR-VT đã có những bước phát triển đáng khích lệ nhưng mức độ cơ giới hóa chưa đồng bộ và toàn diện, một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp.

BR-VT: Chưa có sự đồng bộ trong cơ giới hóa nông nghiệp - Ảnh 1
Cơ giới hóa nông nghiệp tại BR-VT vẫn chưa được đồng bộ

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), trên địa bàn tỉnh có hơn 400 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với số lượng hơn 115 ngàn chiếc, chủ yếu ở lĩnh vực khai thác hải sản.

Cùng với đó, các khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản mới dừng lại ở một số mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản rau, trái cây sau thu hoạch. Mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu đồng bộ, có sự chênh lệch khá lớn. Điển hình như khâu làm đất đạt 100%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%, nhưng khâu thu hoạch mới chỉ đạt 20% và 30% đối với khâu sấy. Ngoài ra, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp một số khó khăn như diện tích nhỏ lẻ, manh mún, nông dân thiếu vốn đầu tư máy móc.

Lý giải cho việc thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa đạt kết quả như kỳ vọng, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ ra 2 tồn tại. Đó là, sự đồng bộ trong phần cứng của các khâu trong sản xuất không đồng đều với nhau. Điều này làm cho chi phí tăng lên và sử dụng các trang thiết bị không hiệu quả vì dư thừa máy móc.

Bên cạnh đó, máy móc thiết bị nhiều, nhưng phương thức sản xuất, trình độ của người sản xuất, cách tổ chức, từ đó dù có nhiều thiết bị nhưng lại phân bố rải rác và không đồng bộ. Hai yếu tố này nếu đầu tư không mạch lạc, cơ giới hóa có thể lên 100% nhưng chi phí sản xuất không giảm và hiệu quả kinh tế không tăng.

Ngành nông nghiệp nước ta đặt mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: Trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thủy sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 thế giới.

Để đạt được mục này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.

Theo ghi nhận, ông Trương Bình Minh, nông dân ở ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức có 1,5ha trồng tiêu đang thu hoạch. Ông đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ Israel kết hợp bộ châm phân bón tự động. Hệ thống dây nhỏ giọt được thiết kế bù áp nên bảo đảm lưu lượng nước ra đồng đều trên vườn.

Tuy nhiên, ngoài khâu tưới nước, ông vẫn thực hiện việc thu hoạch và bảo quản tiêu theo phương thức truyền thống, khiến chi phí sản xuất cao. Theo tính toán của ông Minh, để thu hoạch được 1 tấn tiêu, ông phải thuê từ 3-5 nhân công làm liên tục trong 15 ngày với giá thuê dao động từ 250-300 ngàn đồng/công. Như vậy, chỉ riêng tiền thuê nhân công đã mất khoảng 17-20 triệu đồng, chưa kể các loại chi phí khác.

“Khâu thu hoạch hồ tiêu mất rất nhiều thời gian và nhân công, đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư nhiều. Mặc dù giá tiêu thấp, không đủ chi phí, song tới vụ chúng tôi vẫn phải thuê người hái, nếu không sẽ ảnh hưởng tới cây trồng và chất lượng trái vụ tiếp theo”, ông Minh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Cảnh Thái Dương, nông dân ở ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 1,5ha trồng bơ cho biết, nhờ mạnh dạn cơ giới hóa nên đã giảm chi phí trong khâu chăm sóc, tăng chất lượng, năng suất cũng khá cao từ 15-20 tấn/ha/năm.

“Tuy nhiên, khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mới chỉ dừng lại ở sơ chế. Việc thu hoạch và chế biến sau thu hoạch còn hạn chế do thiếu đồng bộ về hạ tầng. Chi phí đầu tư máy móc sau thu hoạch cao nên nhiều nông dân vẫn chưa có điều kiện đầu tư, khiến cho nông sản chưa tăng giá trị”, ông Dương bày tỏ.

Về giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT cho biết, ngành nông nghiệp đang tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan để tham mưa đẩy mạnh dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để triển khai đồng bộ cho người dân trong thời gian tới.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao kỹ năng, trình độ cho người dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả, giảm sức lao động, chi phí sản xuất”, ông Đăng nhấn mạnh.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết BR-VT: Chưa có sự đồng bộ trong cơ giới hóa nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới