Chủ nhật, 24/11/2024 10:11 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/07/2021 11:27 (GMT+7)

Các đám mây liệu có khiến Trái Đất nóng dần lên?

Theo dõi KTMT trên

Các nhà khoa học cho rằng, các đám mây có thể khiến cho nhiệt độ Trái Đất trở nên khắc nghiệt hơn, bằng cách phản xạ ít bức xạ mặt trời ra khỏi Trái Đất và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cảnh báo, trong khi Trái Đất đang ngày càng ấm lên do tác động của biến đổi khí hậu, các đám mây có thể góp phần khiến Trái Đất ngày càng nóng lên hơn nữa.

Nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho biết, các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia London và Đại học East Anglia (Anh) đã phân tích dữ liệu vệ tinh về các đám mây để tìm hiểu ảnh hưởng của chúng đến khí hậu trong tương lai.

Trong đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra các đám mây có thể khiến cho nhiệt độ Trái Đất tăng cao và trở nên khắc nghiệt hơn, bằng cách phản xạ ít bức xạ mặt trời ra khỏi Trái Đất và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Các đám mây liệu có khiến Trái Đất nóng dần lên? - Ảnh 1
Các đám mây có thể khiến cho nhiệt độ Trái Đất tăng cao và trở nên khắc nghiệt hơn. (Ảnh: VOV)

Nghiên cứu cho rằng, những đám mây sẽ khiến các dự báo khí hậu trong tương lai không thể dự đoán một cách chính xác được, vì mật độ và vị trí trong khí quyển của chúng ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt độ của Trái Đất, trong khi mật độ và vị trí của các đám mây vốn không thể nắm bắt được.

Đồng tác giả Peer Nowack từ Đại học East Anglia cho biết: "Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các đám mây có thể gây hiệu ứng khuếch đại đến sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới đã cho phép xác định được các đám mây sẽ khuếch đại sự nóng lên toàn cầu với xác suất xấp xỉ 97,5%".

Ngoài ra, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng, sự nóng lên của khí hậu Trái Đất khó có thể duy trì ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và có nhiều khả năng sẽ tăng hơn 3 độ C.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2020 nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2, methane và NO2 tiếp tục tăng dù lượng khí thải đã giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Tháng 5/2020 ghi nhận tháng nóng kỷ lục trên toàn thế giới, nhiệt độ đã tăng 0,68 độ C so với mức trung bình trong tháng 5 của giai đoạn 1981 - 2010. Năm 2020 trở thành một trong những năm nóng nhất.

Theo đó, lượng băng trên Bắc Băng Dương bao quanh Bắc Cực đã tan chảy xuống mức thấp thứ hai trong hơn 40 năm qua, chỉ còn bao phủ 3,74 triệu km2. Bước sang năm 2021, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra cảnh báo lượng khí thải CO2 trong năm sẽ tăng 5% lên mức 33 tỉ tấn, nhu cầu tiêu thụ than đá sẽ tăng 4,5%, cao nhất kể từ năm 2014.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra cảnh báo rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khí thải CO2 tăng ở mức lớn thứ hai trong lịch sử trong năm 2021.

Theo đó, IEA ước tính lượng khí thải CO2 trong năm nay sẽ tăng gần 5% lên mức 33 tỉ tấn, trái ngược với sự giảm sút hồi năm ngoái do hoạt động kinh tế bị trì trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Trái Đất vẫn tiếp tục nóng lên

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters chỉ ra rằng, Trái Đất hiện đang giữ lượng nhiệt cao gấp 2 lần so với 14 năm trước, làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng tốc của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo đó, sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất là do sự ô nhiễm bầu khí quyển ngày càng tăng từ các chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và ozone (O3). Những chất ô nhiễm này ngăn cản nhiệt bức xạ của Trái Đất thoát ra ngoài không gian, làm tăng sự hấp thụ ánh sáng Mặt trời và giữ nhiệt trong bầu khí quyển. Nếu tốc độ hấp thụ nhiệt không giảm xuống, các thay đổi lớn hơn về khí hậu dự kiến ​​sẽ xảy ra.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Các đám mây liệu có khiến Trái Đất nóng dần lên?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới