Chủ nhật, 24/11/2024 05:16 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/02/2023 11:05 (GMT+7)

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo dõi KTMT trên

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhiều hình thức phong phú và quan trọng nhất là rất trách nhiệm, thiết thực và hiệu quả để từng người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước về đất đai, cụ thể là Nghị quyết 18-NQ/TW.

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực phía Bắc. Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đồng chủ trì.

Ngày 25/2, tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Các bộ, ngành liên quan; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật. “Dự thảo luật là kết quả của sự đóng góp chung của người dân, nhà khoa học, chuyên gia… và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng”, Phó Thủ tướng nêu.

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dự thảo luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy vai trò của bộ luật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

“Nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ, đồng thời nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn nhân dân, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất, hiện nay và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước và người dân. Trong đó, nhà nước làm tốt quy hoạch, tức phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo sự phân bổ này bền vững cho kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng và môi trường…

Đặt vấn đề khi bộ luật đưa ra, giá đất phải sát giá thị trường, Phó Thủ tướng cho rằng, bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai, trong đó, tập trung làm rõ làm sao để có chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng. “Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước là đại diện sở hữu đất đai toàn dân phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hoà lợi ích của các chủ thể liên quan, giữa các khu vực”, Phó Thủ tướng nói.

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 3
Toàn cảnh Hội nghị chiều ngày 25/2

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng gợi mở về việc phân cấp mạnh mẽ cho người dân và nhà nước thực hiện quyền của mình; giải pháp để đất nông nghiệp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái…

Tại Hội nghị, đại điện các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; bảng giá đất; việc áp dụng giá đất cho các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm; các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất; quy mô các dự án nhà nước dùng ra giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

Đóng góp ý kiến về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, đối với dự án đấu thầu thu hồi đất với các dự án thuộc diện tự thoả thuận thì đang có sự chênh lệch về giá và khó khăn thu hồi mặt bằng với các dự án thu hồi đất bằng đấu giá đất sẽ khó hơn dự án giao cho doanh nghiệp tự thỏa thuận. Đây cũng là điểm nghẽn, khi có các dự án mà nhà đầu tư, doanh nghiệp thỏa thuận với người dân thì sự thỏa thuận này cũng cao hơn so với mặt bằng giá của địa phương đặt ra với dự án đấu giá đất, đấu thầu thu hồi đất.

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 4
Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương

Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất tại Điều 60 và tại khoản 7 Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính. Theo ông Hoàn, quy định này sẽ rất khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhất là các công trình theo tuyến.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn góp ý, về thu hồi đất, trưng dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần làm rõ hơn khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 5
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Theo như Điều 78 dự thảo Luật, đang liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, liệt kê như vậy có thể vẫn còn thiếu một số trường hợp khác khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.

"Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung nội dung này theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành Luật", ông Quỳnh kiến nghị…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhiều hình thức phong phú và quan trọng nhất là rất trách nhiệm, thiết thực, khoa học và hiệu quả để từng người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước về đất đai, cụ thể là Nghị quyết 18-NQ/TW.

Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 6
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhiều hình thức phong phú và quan trọng nhất là rất trách nhiệm, thiết thực.

“Đây là phong trào sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng để các tầng lớp nhân dân cả nước hiểu được nhiệm vụ xây dựng các chính sách về đất đai ngày càng tiến bộ để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển, từng bước bảo đảm công bằng, bình đẳng, tiến bộ, không để ai ở lại phía sau, người dân luôn được thụ hưởng thành quả phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục lắng nghe, khái quát từ thực tiễn để phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hoá, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau.

Phó Thủ tướng khẳng định, Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng rộng lớn, ý nghĩa quan trọng, ví như đạo luật gốc, nền tảng mà trên đó sẽ phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh... Bộ luật này có ý nghĩa quan trọng, đặt ra tư duy quan điểm chủ trương chính sách mới trong quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, thực hiện tốt hơn cung cấp các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo bình đẳng công bằng tiến bộ.

Khương Trung

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới