Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ ba, 04/10/2022 07:50 (GMT+7)

Các giải pháp cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Theo dõi KTMT trên

Cơn bão số 4 vừa qua đã khiến tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên-Huế gia tăng mức độ nghiêm trọng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân tại nhiều địa phương. Thực trạng...

Sau bão số 4, bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế sạt lở nhiều nơi với khoảng 12 km, trong đó gần 3km sạt lở nặng. Tại bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, hàng nghìn m3 đất cát ở bờ đê chắn sóng bị cuốn trôi theo từng đợt sóng dữ. Bờ biển này bị xâm thực sâu vào đất liền từ 5 đến 7 mét, gây ảnh hưởng đến 140 hecta đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đời sống của khoảng 600 hộ dân.

Sạt lở bờ biển khu vực Phong Hải, huyện Phong Điền; thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP. Huế với chiều dài khoảng 100 m, ăn sâu vào bờ từ 3-5 m và đoạn tiếp giáp gần chân kè giao thông đi lên phía Bắc với chiều dài 150 m, ăn sâu vào bờ từ 3-5 m.

Sạt lở khu vực Bến Ghe ven phá, thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên và Phú Hải huyện Phú Vang với chiều dài khoảng 110 m, ăn sâu vào bờ từ khoảng 30 m. Sạt lở bờ biển khu vực tại thôn thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang với chiều dài khoảng 150 m, ăn sâu vào bờ từ khoảng 2-3 m.

Các giải pháp cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển - Ảnh 1
Tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế gia tăng mức độ nghiêm trọng sau các cơn bão. (Ảnh: Internet)

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh hiện có 30 km bờ biển bị sạt lở; trong đó, có 12km bờ biển bị sạt lở nặng tập trung ở các xã như Phong Hải, Phong Hòa huyện Phong Điền; xã Quảng Công, Quảng Ngạn huyện Quảng Điền; xã Hải Dương thành phố Huế; xã Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh của huyện Phú Vang; xã Giang Hải, Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc. Tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 2 - 5 m, có nơi từ 5 - 7m, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Thiên tai nhất là tình hình mưa lũ đã gây xâm thực, xói lở và bồi lắng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô, Lạch Giang... làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên, ảnh hưởng đến dòng thoát lũ, tuyến luồng hoạt động khoảng 2.000 tàu thuyền ra vào các cửa biển và các tàu chở hàng hóa với tải trọng đến 2.000 tấn ra vào cảng Thuận An.

Là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang triển khai nhiều phương án ứng phó, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển Trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều khoảng 6,2km, tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng. Trong đó, mới đây nhất là đoạn qua xã Giang Hải với chiều dài 2,5 km.

Thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị xung yếu ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Chính quyền địa phương lắp, dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.

Các địa phương tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển và ngăn chặn việc khai thác cát sỏi trái phép trên các sông và ven biển.

Về lâu dài, Sở NN&PTNT đã lập quy hoạch thủy lợi tỉnh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đề xuất UBND tỉnh xây dựng kè chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu trên địa bàn với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng.

Vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã nhất trí thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải, huyện Phú Vang. Dự án có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 122 tỷ đồng, bao gồm xây dựng tuyến kè bảo vệ có chiều dài 300m với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng; xây dựng tuyến đê ngầm dài khoảng 550m cách bờ biển 150m-200m với kinh phí 108 tỷ đồng.

Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện nay các cơ quan chức năng đang lập dự án chỉnh trị, nạo vét luồng cửa biển Thuận An giai đoạn 2 nhằm đầu tư thêm tuyến đê chắn cát phía nam ở cửa biển Thuận An dài 240m. Lập dự án triển khai giai đoạn 1 tuyến kè chống sạt lở qua xã Phú Hải dài khoảng 500m.

Ngoài ra, đang chuẩn bị triển khai dự án chỉnh trị ổn định nạo vét cửa Tư Hiền và duy trì giao thông thủy ra vào cửa Tư Hiền. Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu cho 70 lượt tàu/ngày, neo đậu tránh trú bão cho 300 tàu công suất trên 300CV.

Để có những giải pháp kịp thời bảo vệ dải cồn cát ven biển, khôi phục các công trình đê điều, các công trình hạ tầng thiết yếu vùng ven biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng tuyến biển, ổn định đời sống của nhân dân, địa phương này đã đề xuất Tổng cục Phòng chống thiên tai một số danh mục kè chống sạt lở bờ biển, đê biển, các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, các công trình công cộng kết hợp phòng, chống thiên tai vùng ven biển của tỉnh vào Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ven biển Việt Nam”.

Hà Ly

Bạn đang đọc bài viết Các giải pháp cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới