Chủ nhật, 24/11/2024 10:38 (GMT+7)
Thứ năm, 05/03/2020 13:20 (GMT+7)

Các nhà khoa học áp dụng công nghệ để xử lý dịch châu chấu

Theo dõi KTMT trên

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng siêu máy tính để dự đoán khu vực châu chấu có khả năng sinh sản cao.

Các nhà khoa học áp dụng công nghệ để xử lý dịch châu chấu - Ảnh 1
Một người nông dân cố xử lý đàn châu chấu tại Laikipia, Kenya. (Ảnh: Reuters)

Tờ Guardian (Anh) cho biết các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ dịch châu chấu tồi tệ nhất tại Kenya trong 70 năm qua và kỳ vọng rằng một chương trình kỹ thuật mới có thể ngăn loài côn trùng này gây hại cho mùa màng.

Liên hợp quốc đã cảnh báo về dịch châu chấu tại vùng Sừng châu Phi cũng như tốc độ sinh sản chóng mặt của loài này tại Kenya, Ethiopia và Somalia. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng đợt bùng phát châu chấu lần thứ hai có thể đe dọa an ninh lương thực của 25 triệu người ở châu Phi.

Nhà khoa học thông tin vệ tinh Kenneth Mwangi tại Cơ quan phát triển liên chính phủ (IGAD) - khối thương mại khu vực gồm 8 nước châu Phi cho biết, các nhà khoa học đang vận hành một siêu máy tính để dự đoán khu vực sinh trưởng của châu chấu, vốn có thể bị bỏ sót khi phân tích trên mặt đất. Những khu vực này có thể trở thành “đại bản doanh” của những đàn châu chấu mới nếu không được xử lý trước.

Tính đến nay, siêu máy tính đã dự đoán thành công hướng di chuyển của châu chấu dựa trên những thông tin như sức gió, nhiệt độ và độ ẩm. Châu chấu non thường sinh trưởng trong nhiệt độ từ 30-40 độ C và độ ẩm vào khoảng 50-70%.

Các nhà nghiên cứu còn nhập dữ liệu về độ ẩm của đất và cây trồng để dự đoán châu chấu đã đẻ trứng ở đâu. Những dữ liệu này giúp chính phủ các quốc gia châu Phi có để điều phối việc phun thuốc diệt côn trùng.

Ông Mwangi cho biết thêm: “Đến nay chúng tôi có thể cấp thông tin về nơi châu chấu dự kiến di chuyển đến để Chính phủ Uganda điều động quân đội xử lý. Hiện nay chúng tôi tập trung vào khu vực mà châu chấu sinh sản”.

“Hy vọng rằng dựa trên can thiệp hiện nay, tình hình xấu nhất có thể tránh được. Chính phủ Kenya đang trong tình trạng cảnh báo cao và các biện pháp kiểm soát hiệu quả sẽ được thực thi”, ông Mwangi cho hay.

Hàng tỷ con châu chấu đã phá hoại mùa màng tại Somalia, Ethiopia và Kenya. Chúng còn hoành hành tại Uganda, Tanzania, Nam Sudan và Congo. Mỗi một đàn châu chấu có thể bao gồm 150 triệu con trên 1 km vuông đất nông nghiệp.

Không chỉ ở châu Phi, châu chấu đang trở thành một mối đe dọa đối với khu vực nông nghiệp ở nhiều nước. Các đàn châu chấu với số lượng có thể lên tới hàng trăm tỉ con, tàn phá toàn bộ mùa màng trên đường di chuyển của chúng, đã khiến cơ quan chức năng Pakistan phải ban bố tình trạng khẩn cấp. “Bão” châu chấu trầm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua đã phá hủy 40% vụ mùa tại quốc gia Nam Á này.

Châu chấu không đe dọa sức khỏe của con người và vật nuôi, nhưng lại gây hại cho ngành nông nghiệp và phiền toái cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Chúng ăn tất cả các loài thực vật, lá, hoa, quả, hạt và thân cây.

Trước đó đã có 5 dịch châu chấu sa mạc lớn trong những năm 1990, nạn dịch cuối cùng đã diễn ra hồi những năm 1987-1989 và đợt bộc phát lớn cuối cùng của loài côn trùng này là những năm 2003-2005.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Các nhà khoa học áp dụng công nghệ để xử lý dịch châu chấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới