Chủ nhật, 24/11/2024 06:24 (GMT+7)
Thứ tư, 22/09/2021 14:37 (GMT+7)

Các ‘ông lớn’ sẽ dứt khoát hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Theo dõi KTMT trên

Tiếp sau Liên minh châu Âu, hai nền kinh tế lớn nhất và gây ô nhiễm carbon lớn nhất trên thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu của mình với những động thái quyết liệt.

Tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có tuyên bố, đất nước của ông sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, thông tin được đưa ra tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ tài chính cho các quốc gia nghèo hơn lên 11,4 tỉ USD vào năm 2024 để các quốc gia đó có thể chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn và đối phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của sự nóng lên toàn cầu.

Điều này cho thấy, dường như các quốc gia “giàu” đang nỗ lực để thực hiện cam kết tài trợ cho các quốc gia đang phát triển 100 tỉ USD mỗi năm để chống biến đổi khí hậu.

Cách đây chưa đầy một tuần, trong bài phát biểu về chính sách tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, khối này sẽ đề xuất tăng thêm 4 tỉ euro (hơn 4,7 tỉ USD) để tài trợ cho các dự án khí hậu tới năm 2027.

Cũng trong bài phát biểu, bà von der Leyen bày tỏ hy vọng Mỹ và các đối tác khác của EU cũng sẽ thúc đẩy đóng góp tài chính cho quá trình chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch EC cho rằng điều đó rất quan trọng, vì với việc cùng nhau thu hẹp khoảng cách tài chính cho vấn đề khí hậu, Mỹ và EU sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về vai trò lãnh đạo của họ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện tại, EU đã đóng góp 25 tỷ USD mỗi năm cho các dự án khí hậu. Thời gian tới, EU cũng sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ quốc tế của mình để bảo vệ thiên nhiên và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học của thế giới.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang dần "nóng" lên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tổ chức tại Anh vào tháng 11/2021 này.

Cách đây ít ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc, ông Guterres cũng đã rung lên những cảnh báo về việc để đẩy nhanh chống biến đổi khí hậu toàn cầu thì  loại bỏ than đá là bước quan trọng nhất nhằm kiểm soát sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C theo thỏa thuận Paris.

Xinyue Ma, một chuyên gia về tài chính phát triển năng lượng tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston cho biết: “Đây là một thời điểm hoàn toàn quan trọng. Các tuyên bố kể trên có thể sẽ có tác động lớn đến việc tiến tới các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu ở Glasgow, Scotland tới đây.

Chặng đường dài phía trước

Mặc dù mới chỉ có Trung Quốc và Mỹ, EU công bố các chiến lược trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu toàn cầu của mình, tuy nhiên đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, người đã thúc đẩy những nỗ lực lớn hơn trong việc hạn chế biến đổi khí hậu trong tuần này nhấn mạnh “chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước” để cuộc họp ở Glasgow thành công.

Các ‘ông lớn’ sẽ dứt khoát hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 1
Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để thực hiện được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, khống chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2019, Trung Quốc đang tài trợ 13% công suất nhiệt điện than được xây dựng bên ngoài đất nước này. Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã thông báo rằng họ sẽ rút khỏi lĩnh vực kinh doanh liên quan nhiệt điện than từ hồi đầu năm. Với việc cả ba quốc gia rút khỏi lĩnh vực nhiệt điện than được cho là một tín hiệu tốt đến nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường chưa thực sự yên tâm về điều này. Byford Tsang, nhà phân tích chính sách của E3G cho biết, đây là một bước tiến lớn nhưng không phải là hồi chuông báo tử đối với nhiệt điện than. Thực tế, năm ngoái Trung Quốc đã xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than mới trong nước.

Các ‘ông lớn’ sẽ dứt khoát hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 2

Các quốc gia giàu hơn đã hứa hỗ trợ tài chính 100 tỉ đô la mỗi năm cho các quốc gia nghèo hơn để chuyển từ nhiên liệu “bẩn” sang nhiên liệu “sạch”. Nhưng tính đến năm 2019, các quốc gia giàu hơn chỉ cung cấp 80 tỉ USD mỗi năm (Thông tin được cung cấp bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Liên hợp quốc).

Trước đó, vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tăng gấp đôi cam kết hỗ trợ tài chính từ thời ông Obama là 2,85 tỉ USD một năm lên 5,7 tỉ USD. Hôm thứ Ba, ông tuyên bố rằng ông hy vọng sẽ tăng gấp đôi con số đó lên 11,4 tỉ USD một năm bắt đầu từ năm 2024, nhưng ông cần sự thông qua của Quốc hội.

Một số nghiên cứu gần đây đã tính ra, dựa trên nền kinh tế Mỹ, dân số và ô nhiễm carbon, nước này nên đóng góp 40% đến 47% của quỹ 100 tỉ USD để chia sẻ một cách công bằng với các nước còn lại.

Theo báo cáo của IEA, nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 4,6%, trong đó dẫn đầu là các nền kinh tế mới nổi, khiến mức này vượt trên mức của năm 2019.

IEA cho biết thêm nhu cầu cho nhiên liệu hóa thạch cũng đang có xu hướng tăng trong năm 2021, trong đó nhu cầu khí đốt và than đá được dự báo vượt mức của năm 2019.

Cụ thể, dự đoán nhu cầu than đá sẽ tăng 4,5%, vượt mức của năm 2019 và gần đạt mức đỉnh từ năm 2014, trong đó nhu cầu tập trung chủ yếu tại khu vực châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc. Mỹ và các nước châu Âu cũng chứng kiến sự gia tăng tương tự này.

Nguyên Đỗ

Bạn đang đọc bài viết Các ‘ông lớn’ sẽ dứt khoát hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới