Chủ nhật, 24/11/2024 10:40 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/04/2021 07:23 (GMT+7)

Các quốc gia chung tay bảo vệ rừng nguyên sinh

Theo dõi KTMT trên

Việc con người hủy hoại gần 70% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới đang khiến cho tình trạng "vùng đệm tự nhiên" ngăn chặn biến đổi khí hậu nhanh chóng biến mất. Vì vậy, các quốc gia cần chung tay hành động vì rừng.

Các quốc gia chung tay bảo vệ rừng nguyên sinh - Ảnh 1

Rừng nguyên sinh đang bị tàn phá nặng nề

Trong bối cảnh tốc độ phá rừng nhiệt đới trên Trái Đất đang tăng nhanh dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, một nghiên cứu công bố ngày 30/3 cho thấy diện tích rừng nguyên sinh bị đốt hoặc chặt phá trong năm 2020 tương đương diện tích Hà Lan. 

Còn theo báo cáo của Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) vừa công bố cho thấy, trong năm 2020, rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh, tăng 17% so với năm trước đó.Cơ quan này ước tính chỉ riêng diện tích rừng nguyên sinh của Amazon bị mất trong năm qua đã tương đương diện tích của quốc gia Trung Mỹ El Salvador.

Các quốc gia có số lượng rừng nguyên sinh Amazon bị mất nhiều nhất trong năm 2020 theo thứ tự là Brazil, Bolivia, Peru, Colombia, Venezuela và Ecuador.

MAAP cho biết hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. Quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm qua, tăng hơn 13% so với năm trước đó. Diện tích rừng bị tàn phá ở Brazil gần gấp đôi diện tích Puerto Rico và chủ yếu tập trung ở phía Nam nước này.

Trong khi đó, diện tích rừng bị tàn phá tại Bolivia trong năm 2020 lên tới con số kỷ lục 240.000 ha với nguyên nhân chủ yếu do các đám cháy xảy ra ở phía Đông Nam nước này đã tàn phá các khu rừng tại các hệ sinh thái Chiquitano và Chaco. Đối với trường hợp của Peru, nước này đã mất 190.000 ha rừng nguyên sinh trong năm ngoái, tăng 18% so với năm 2019 và cũng là con số kỷ lục ghi nhận được.

Việc con người hủy hoại gần 70% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới đang khiến cho tình trạng "vùng đệm tự nhiên" ngăn chặn biến đổi khí hậu nhanh chóng biến mất.

Theo báo cáo dựa trên dữ liệu vệ tinh của Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu, Brazil là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, diện tích rừng bị phá hủy tại nước này cao gấp 3 lần so với quốc gia xếp thứ hai là CHDC Congo. Trong năm 2020, có tới 4,2 triệu hecta rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới bị phá hủy, cao hơn 12% so với năm trước đó. Tính tổng cộng trong năm 2020 các khu vực nhiệt đới đã bị mất 12,2 triệu hecta diện tích cây xanh, bao gồm các khu rừng và đất trồng cây, chủ yếu do hoạt động nông nghiệp.

Theo nghiên cứu, cây cối và đất đai hấp thụ tới hơn 30% lượng carbon do các hoạt động ô nhiễm của con người thải ra mỗi năm, do đó việc các khu rừng nhiệt đới tiếp tục biến mất một cách nhanh chóng sẽ gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho hệ sinh thái của Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc phá hủy các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới trong năm 2020 đã thải ra 2,64 tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của Ấn Độ, hay của 570 triệu ô tô, hoặc gấp đôi lượng khí thải của toàn bộ xe đang lưu thông tại Mỹ. Bà Seymour cảnh báo thế giới càng trì hoãn ngăn chặn nạn phá rừng, hay chậm thúc đẩy hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải, thì nhiều khả năng các khu rừng tự nhiên hấp thụ CO2 trên Trái Đất sẽ biến mất hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng

Tại Brazil, chính phủ đã cắt giảm ngân sách cho các chương trình môi trường, khiến nhiều vùng đất của Amazon bị khai thác tài nguyên và kinh doanh nông nghiệp, dẫn đến 1,7 triệu hecta rừng nguyên sinh bị phá hủy trong năm 2020, tăng 25% so với năm 2019. Trong khi đó, vùng đầm lầy nhiệt đới Pantanal, thiên đường của hệ sinh thái trải dài từ Brazil đến Bolivia, cũng hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn. Bolivia là quốc gia có tỉ lệ phá rừng cao thứ ba trên thế giới trong năm 2020.

Các quốc gia chung tay bảo vệ rừng nguyên sinh - Ảnh 2
Một khu vực rừng ở Amazon thuộc Colombia bị phá hoại.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất rừng là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang sản xuất nông nghiệp. Tốc độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ không chậm lại trong tương lai gần, thậm chí, tổng diện tích dành cho các đồn điền cao su còn dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 4,3-8,5 triệu ha cho đến năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện của các nước Đông Nam Á trong những năm tới sẽ càng làm thu hẹp môi trường sống.

Ngoài việc làm suy thoái 30% diện tích rừng, việc khai thác gỗ và chuyển đổi đất, chủ yếu cho nông nghiệp, đã xóa sổ tới 34% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thủy của thế giới, khiến diện tích rừng còn lại đứng trước nguy cơ tiếp tục bị tàn phá trong tương lai. 

Hơn một nửa số vụ phá hủy rừng kể từ năm 2002 đều nằm ở khu vực Amazon của Nam Mỹ và các khu rừng nhiệt đới giáp ranh. Khi nhiều khu rừng nhiệt đới bị phá hủy, càng có nhiều nguy cơ khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng, khi đó những diện tích rừng còn lại càng khó để tồn tại.

Trong khi đó, hơn một nửa rừng của châu Âu đã biến mất do nhu cầu về đất nông nghiệp ngày càng tăng và việc sử dụng gỗ làm nguồn nhiên liệu. Hơn hai phần ba diện tích miền Trung và Bắc Âu trước đây được che phủ bởi cây rừng. Hiện nay, diện tích rừng giảm xuống còn khoảng một phần ba ở một số khu vực phía Tây và duyên hải, bao gồm cả Anh và Cộng hòa Ireland; ở một số khu vực, diện tích rừng bị giảm xuống dưới 10%.

Tại châu Phi, các hệ sinh thái rừng suy giảm nhanh chóng do các tác động xấu của khí hậu, sức ép dân số và đô thị hóa có thể cản trở tiến trình phát triển ít carbon tại châu lục lớn thứ hai thế giới này. 

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nắng nóng cực đoan và hạn hán cũng gây ra cháy rừng, thiêu rụi nhiều khu rừng rộng lớn ở Australia, Siberia và sâu trong khu vực Amazon. Tác giả báo cáo, bà Frances Seymour của Viện Tài nguyên thế giới nhận định những thiệt hại này phản ánh tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Đây không chỉ là khủng hoảng về hệ sinh thái, mà còn là thảm họa nhân đạo, tổn thất tiềm năng kinh tế.

Các nước cần chung tay bảo vệ rừng nguyên sinh ngay lúc này

Để có thể đáp ứng các mục tiêu về bảo tồn và khí hậu, chính phủ các nước cần đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ các khu rừng nguyên sinh. Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng phương pháp “Đánh giá cơ hội phục hồi” (ROAM) nhằm đánh giá mức độ cảnh quan bị suy thoái và mất rừng ở một số quốc gia, một số khu vực, xác định các chiến lược tốt nhất để khôi phục chúng. ROAM giúp các chính phủ, các nhà hoạt định chính sách ứng dụng phục hồi cảnh quan rừng để đáp ứng ưu tiên quốc gia và mục tiêu quốc tế về khí hậu, đa dạng sinh học.

Sáng kiến quốc tế “Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng” (REDD+) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng; Hạn chế suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng carbon rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Tăng cường trữ lượng carbon rừng. Ý tưởng của REDD+ là: Các nước đang phát triển giảm tỉ lệ mất rừng và suy thoái rừng để được nhận thù lao về mặt tài chính từ quỹ toàn cầu do phía các nước phát triển đóng góp. Mục tiêu của REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như: Giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học...

Tại Việt Nam, nhằm khắc phục tình trạng suy thoái rừng, Chính phủ đưa ra các chính sách nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản lý rừng bền vững. Từ đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của rừng đối với cuộc sống con người và hệ sinh thái toàn bộ hành tinh, đồng thời cảnh báo về tình trạng phá rừng, suy thoái rừng và suy giảm đa dạng sinh học mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người.

Trước thực trạng suy thoái rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở khắp các châu lục trên thế giới, các quốc gia cần tiến hành các giải pháp dựa vào tự nhiên như phục hồi cảnh quan rừng. Giải pháp này có thể giúp các quốc gia đảo ngược tác động của suy thoái rừng và lấy lại các lợi ích sinh thái, xã hội, khí hậu và kinh tế rừng. Phục hồi cảnh quan rừng không chỉ là trồng cây, nó còn bao gồm nhiều hoạt động như nông lâm kết hợp, kiểm soát xói lở và tái sinh rừng tự nhiên.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Các quốc gia chung tay bảo vệ rừng nguyên sinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới