Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử chói lọi nhất của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chớp thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Vào tháng 8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, tấn công đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất gồm hơn một triệu quân của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 và Nagasaki ngày 9/8/1945 gây tổn thất to lớn. Trước sức mạnh của đồng minh, ngày 11/8/1945, Chính phủ Nhật gửi thông điệp cho Liên Xô, Mỹ và các nước đồng minh chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Đúng như dự đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đây là cơ hội nghìn năm có một để Nhân dân ta thực hiện tổng khởi nghĩa.
23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của Người, muôn người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14-28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân, trong đó khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19/8 là một dấu mốc ngời sáng nhất của Cách mạng tháng Tám.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Tuy nhiên, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã phải đối đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Nạn đói năm 1945 vẫn còn de dọa tiếp diễn, nền tài chính kiệt quệ. Hơn 85% dân số mù chữ. Trong lúc đó, thù trong giặc ngoài đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của chế độ mới. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 3 chủ trương lớn: Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.
Tiếp nối khí thế mùa thu Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã lần lượt đánh bại Thực dân Pháp trong cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm (từ năm 1945 đến năm 1954), tiếp đó là Đế quốc Mỹ xâm lược. Đến năm 1975, giang sơn thu về một mối, thống nhất hoàn toàn đất nước.
Bài học kinh nghiệm quý báu
Lịch sử diễn ra đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ giành thắng lợi cho cách mạng tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt đến độ thiên tài.
Trước hết, thắng lợi ấy đã đập tan hai tầng xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và phát xít Nhật gần 5 năm, rửa được cái nhục và nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỷ; đồng thời lật nhào chế độ phong kiến tồn tại cả ngàn năm, đưa Việt Nam từ vị trí là một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà.
Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là bước nhảy vọt trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam.
Đối với thế giới, Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự đấu tranh giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân. Thắng lợi ấy cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đặc biệt là nhân dân châu Á và châu Phi.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là kết quả hợp thành từ rất nhiều nhân tố: Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cấp đảng bộ địa phương trong thời khắc “xoay bản lề” của lịch sử. Đó còn là sức mạnh từ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ ngàn đời, sẵn sàng kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Mặt khác, cách mạng diễn ra thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu cũng nhờ có hoàn cảnh quốc tế thuận lợi khi quân Đồng minh đánh tan phát xít Đức - Nhật, mở ra thời cơ cho nhân dân Việt Nam khởi nghĩa. Nhưng nhân tố bao trùm quyết định nhất chính là sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chiến lược, sách lược cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, khi thời cơ đến kiên quyết, kịp thời phát lệnh tổng khởi nghĩa thành công.
Lan Anh