Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An đang diễn ra triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”. Đây là hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản hoá Việt Nam.
Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” là hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản hoá Việt Nam (23/11) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức từ ngày 22- 26/11/2024 tại phố đi bộ Hồ Tùng Mậu, TP.Vinh (Nghệ An).
Tham dự Lễ khai mạc có các đồng chí Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bùi Đình Long – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các sở, trung tâm văn hóa, trung tâm xúc tiến du lịch, bảo tàng đến từ các tỉnh/thành phố.
Sự kiện triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước, con người Việt Nam; khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đây còn là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn của toàn thể dân tộc Việt Nam, phản ánh sự đa dạng và phong phú văn hóa truyền thống của đất nước.
Tại đây, khách tham quan sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những khu trưng bày với hơn 300 bức ảnh nghệ thuật giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam, những điểm đến yêu thích của du khách. Không gian trưng bày chuyên đề “Đặc trưng Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam” với trên 200 tài liệu hiện vật, hình ảnh, trang phục, nhạc cụ tiêu biểu, giới thiệu văn hóa của các vùng, miền phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng với các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng Sen quê Bác; trưng bày các tác phẩm nghệ thuật “Những bài thơ của Bác Hồ trên Sen thư pháp”, Di sản văn hóa áo dài Việt Nam và không gian văn hóa trà Việt…
Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết: “Cùng với việc quảng bá những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa tiêu biểu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái bền vững, ẩm thực và sản vật địa phương của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, triển lãm còn khẳng định tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc phát triển du lịch, Việt Nam không chỉ là một quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa, mà còn là điểm đến hấp dẫn với thiên nhiên tươi đẹp. Hướng tới mục tiêu quảng bá và tôn vinh các giá trị này, chúng tôi mong rằng triển lãm sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế…”.
Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” được tổ chức tại khu nhà chính của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và các gian hàng trải dài trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, TP.Vinh. Trong khuôn khổ lễ khai mạc triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”, Ban tổ chức đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024.
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức từ ngày 28/10 - 4/11/2024. Ban tổ chức hội thi đã tiếp nhận 435 sản phẩm của 264 tác giả (miền bắc 350 sản phẩm/ 208 tác giả; miền trung 56 sản phẩm/ 42 tác giả. miền nam 29 sản phẩm/ 19 tác giả).
Các sản phẩm dự thi với sự đa dạng chất liệu, mẫu mã, chủng loại, và có sự đầu tư kỹ lưỡng nên chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nghệ thuật có kiểu dáng thay đổi sáng tạo. Một trong những điểm độc đáo của các sản phẩm dự thi và đạt giải năm nay là các sản phẩm đã được làm theo thị hiếu thị trường, sản phẩm quà tặng, có tính ứng dụng cao. Trên cơ sở các tác phẩm dự thi, sau nhiều vòng chấm thi, thảo luận, Ban tổ chức đã chọn được 61 giải của 61 tác giả, nhóm tác giả, gồm 5 giải nhất; 11 giải nhì; 15 giải ba và 30 giải khuyến khích.
Giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực sáng tạo và gìn giữ bản sắc truyền thống, mà còn là động lực để các nghệ nhân tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Nguyễn Công