Thứ ba, 22/04/2025 11:34 (GMT+7)
Thứ ba, 22/04/2025 06:49 (GMT+7)

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh

Theo dõi KTMT trên

Theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh. Tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết và hành động cụ thể về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) còn thấp.

Ngày 21/4, tại hội thảo “Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính-công nghệ” do BIDV và FPT phối hợp tổ chức, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – đã chia sẻ nhận định cho rằng, làn sóng chuyển đổi xanh đang tạo ra ba nhóm áp lực chính đối với Việt Nam.

Theo ông, nhóm áp lực đầu tiên xuất phát từ bên trong, do biến đổi khí hậu gây ra, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là những ngành dễ tổn thương như nông nghiệp, thủy sản và năng lượng. Nhóm áp lực thứ hai đến từ thị trường toàn cầu, khi xu hướng tiêu dùng và đầu tư “xanh hoá” ngày càng phát triển, kéo theo đó là các tiêu chuẩn kỹ thuật và bền vững ngày càng khắt khe. Cuối cùng, Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực từ các cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo TS. Lực, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ mới bước vào giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh. Tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết sâu sắc và hành động cụ thể theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vẫn còn thấp.

Nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá đầy đủ được các rủi ro cũng như cơ hội mà quá trình xanh hóa mang lại đối với chuỗi cung ứng, sản phẩm hay chiến lược kinh doanh của họ.

Những khó khăn về nguồn lực, sự thiếu hụt thông tin và hạn chế năng lực quản trị đã góp phần tạo nên các rào cản khiến chuyển đổi xanh chưa thể hiện đầy đủ vai trò trong chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh - Ảnh 1
Tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết và hành động cụ thể về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) còn thấp.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Võ Quốc Khánh – Phó Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Việt Nam – nhận định rằng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn là xu hướng không thể đảo ngược của nhiều quốc gia.

Theo ông, đây là con đường đi lên, không có đường lui khi tiến vào giai đoạn mới. Trong các cuộc trao đổi với doanh nghiệp và ngân hàng, ông nhận thấy tất cả đều đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi, mặc dù họ là những chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quy định liên quan đến chuyển đổi xanh và chính vì vậy, tốc độ của quá trình này rất phụ thuộc vào cách thức họ điều chỉnh.

Ông Khánh chia sẻ thêm rằng hiện nay, các quỹ đầu tư quốc tế bắt buộc phải lồng ghép yếu tố ESG vào quá trình đánh giá doanh nghiệp, theo đó, khả năng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cổ phần phụ thuộc vào cách họ thực hiện chuyển đổi xanh. Các tổ chức cho vay, nhất là các ngân hàng lớn, đang đóng vai trò quyết định trong việc đưa ra các quyết định tín dụng xanh, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh và sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện ESG tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do các quy định liên tục thay đổi, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp cập nhật, và năng lực thực hành ESG của họ vẫn còn chưa đạt được kỳ vọng.

Để vượt qua những thách thức đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất một loạt giải pháp quan trọng. Trước tiên, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi xanh, chuyển nó từ cái nhìn như một “chi phí” sang nhận thức như một khoản “đầu tư” cho tương lai.

Các chiến lược và kế hoạch phát triển xanh cần được gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của các cấp địa phương cũng như của doanh nghiệp.

 Ông kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Green Taxonomy) để xác định rõ ràng các lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên, giao cho các tổ chức độc lập thực hiện việc xác nhận xanh. Song song đó, các quy định cụ thể về tiêu chí và phương thức đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình, nhà máy và doanh nghiệp xanh cần được ban hành để tạo ra một khung pháp lý vững chắc.

Bên cạnh đó, ông Lực nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách thay đổi hành vi trong đầu tư, tiêu dùng và sinh hoạt nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh. Các biện pháp hỗ trợ tài chính thông qua cơ chế thuế, phí, lãi suất và chi phí xác nhận xanh cho sản phẩm cũng như dịch vụ “xanh” cần được đưa vào hệ thống chính sách.

Lực cũng cho rằng, để đạt được quá trình chuyển đổi xanh bền vững, cần thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và khuyến khích thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cho quá trình này.

Ngoài ra, ông còn đề xuất xây dựng và thực thi chiến lược “Chuyển đổi kép – Xanh và Số”, nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bên liên quan và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Việc xây dựng cơ sở thông tin và dữ liệu để dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường cũng được xem là điều cần thiết để đảm bảo rằng, các quyết định trong quá trình chuyển đổi xanh được đưa ra kịp thời và chính xác.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Khánh cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp cần coi ESG không chỉ là một bộ báo cáo hay một hình thức công bố thông tin mà phải trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động hàng ngày. Đặc biệt trong ngành ngân hàng, việc tích hợp rủi ro ESG vào quy trình vận hành sẽ đóng vai trò quyết định đối với thành công của chiến lược bền vững.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá vàng tăng nhanh hơn mọi dự báo
Thị trường vàng toàn cầu chứng kiến đà tăng mạnh mẽ, đẩy giá vàng lên cao kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến xu hướng đầu tư và thị trường vàng trong nước.
Giá vàng sáng 21/4 đồng loạt tăng
Tính đến trưa 21/4, giá vàng SJC tăng 4 triệu đồng/ lượng so với phiên trước đó. Giá vàng thế giới quy đổi ở mức 106 triệu đồng/ lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng.

Tin mới