Chủ nhật, 24/11/2024 08:53 (GMT+7)
    Thứ sáu, 21/05/2021 15:56 (GMT+7)

    Cải tạo chung cư cũ: Vẫn còn nhiều vướng mắc

    Theo dõi KTMT trên

    Số lượng chung cư cũ trên cả nước khoảng 2.500 đang trong tình trạng hư hỏng cần được cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm triển khai chương trình cải tạo chung cư cũ mới chỉ có 1% được cải tạo.

    Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2016, khi Thành ủy TP.HCM đưa ra chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ đến nay mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới. Ngoài ra, có 3 chung cư đang thi công dang dở có quy mô khoảng 260.000 m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ. Trong khi theo kế hoạch đề ra thì đến năm 2020 TP sẽ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 chung cư (chiếm 50%) trong số 474 chung cư có trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, 15 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm) phải di dời, tháo dỡ, đầu tư xây dựng mới.

    Cải tạo chung cư cũ: Vẫn còn nhiều vướng mắc - Ảnh 1
    Trong hơn 20 năm, theo thống kê, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ nát được cải tạo, sửa chữa.

    Còn tại Hà Nội, theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Hiện các chung cư này tập trung lượng dân cư khác đông đúc, vượt qua thiết kế ban đầu gấp khoảng 1,5 lần trong khi hệ thống kỹ thuật ở các chung cư đều cũ nát, chất lượng chung cư xuống cấp. Đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp trầm trọng, dễ gây ra các sự cố cháy nổ, chập điện… Trong hơn 20 năm, theo thống kê, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ nát được cải tạo, sửa chữa trên tổng số 1.516 khu chung cư cũ của TP.

    Đáng lo ngại, hầu hết các chung cư cũ đều thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân, tuy nhiên công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vẫn là bài toán khó giải.

    Một trong những vướng mắc được nhắc đến nhiều nhất trong việc triển khai cải tạo chung cư cũ thời gian qua là quy định hạn chế chiều cao đối với nhà cao tầng trong quận nội thành và khu trung tâm thành phố. Điều này đã tạo ra những rào cản đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào cải tạo chung cư cũ.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết: Việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, TP.Hà Nội mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu trong tổng số 60 khu chung cư tại Hà Nội.

    Ông Nghiêm cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng phải xây cao tầng các chủ đầu tư mới có lãi.

    Bên cạnh đó, sự thiếu đồng thuận của người dân cũng đang gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Theo ông Nghiêm, Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư.

    Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - việc cải tạo chung cư cũ chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính, còn doanh nghiệp tham gia đóng góp có lợi nhuận. Lợi nhuận này được thừa hưởng ngay tại những khu chung cư sau cải tạo, hoặc những quỹ đất khác, nhưng trên tinh thần phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và chính quyền.

    Ngoài ra, theo ông Tùng, cần phải có chính sách cho các cư dân được rõ ràng, hài hòa theo hướng phần dôi ra so với diện tích tái định cư Nhà nước mua lại của doanh nghiệp và bán cho dân theo giá của người thu nhập thấp, chứ không phải giá thương mại. Khi quy hoạch, thực hiện dự án cải tạo phải công khai, đảm bảo người dân phải nhận được những phiếu thăm dò và khẳng định chắc chắn họ sẽ nhận được những gì, sau khi dự án cải tạo được hoàn thành để lấy sự đồng thuận của người dân.

    Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc lấy ý kiến người dân để cải tạo nhà chung cư cũ là từ 65 - 70% đồng thuận là triển khai được dự án. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư đây là bước tiến lớn trong gỡ bỏ những vướng mắc về cải tạo nhà chung cư.

    Với các phương án đền bù, dự thảo đề nghị mức đền bù giải phóng mặt bằng là hộ tầng 1 thì hệ số K bằng 2 lần, các hộ tầng 2 trở lên là 1,5 lần để các địa phương lấy mốc triển khai (hệ số diện tích tái định cư tại chỗ cho các hộ dân). Ngoài ra, hộ tầng 1 ngoài mức k bằng 2 lần, chủ đầu tư phải dành 1 khu theo quy hoạch để bố trí diện tích kinh doanh và các hộ tầng 1 được ưu tiên mua hoặc thuê diện tích kinh doanh này, giá sẽ do chủ đầu tư quy định phù hợp.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Cải tạo chung cư cũ: Vẫn còn nhiều vướng mắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới