Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/06/2020 06:46 (GMT+7)

Cấm đòi nợ thuê

Theo dõi KTMT trên

Khi Quốc hội tán thành, 'kinh doanh dịch vụ đòi nợ' chính thức không được phép hoạt động, một ngạch 'làm ăn' tiềm ẩn rất nhiều bất ổn cho xã hội chính thức khép lại.

Cấm đòi nợ thuê - Ảnh 1

Tôi chuyển tiền cho một người bạn qua e-banking, lớ ngớ thế nào chuyển nhầm vào một tài khoản khác, của một người bán hàng online mà tôi đã mua hàng cách đó vài tháng. Sau khi phát hiện chuyển nhầm tài khoản, tôi tìm cách nhắn cho người đó và đề nghị được hoàn lại tiền, tuy nhiên không có hồi âm. Gọi lên ngân hàng thì được biết, ngân hàng chỉ có thể xác nhận đó là khoản tiền chuyển nhầm, và đề nghị người nhận trả lại. Còn nếu người nhận không trả, thì người chuyển nhầm là tôi phải tự đâm đơn ra công an.

Số tiền hơn hai mươi triệu không nhỏ, nhưng để kiện cáo ra toà thì quả là lôi thôi, tôi khá đắn đo. May sao, cuối cùng thì phía nhận tiền tự chuyển lại cho tôi (chậm trễ là vì số tài khoản đó họ đã không còn dùng nhưng chưa huỷ, sau khi ngân hàng báo thì mới kiểm tra số dư). Nếu không thì có lẽ tôi cũng bỏ cuộc.

Trong các hoạt động dân sự, có rất nhiều tình huống giao dịch biến thành nợ khó đòi. Một dây hụi bị vỡ. Một tài sản được mua bán nhưng không thanh toán bù trừ đầy đủ như cam kết. Một khoản cho vay chỉ có giấy viết tay vì nể quan hệ thân tình… Một khi quá hạn đã lâu mà không được trả, rồi phải đi đòi, rồi đòi mãi không được, và đến lúc con nợ quay mặt khoá số điện thoại luôn, thì chủ nợ chỉ còn biết khóc.

Cấm đòi nợ thuê - Ảnh 2
Tờ rơi đòi nợ dán công khai khắp khu vực con nợ sinh sống.

Theo quy định của luật pháp trình tự đòi nợ phải trải qua nhiều bước, và dù không phức tạp nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh khoản vay nợ thì các bước hoà giải – xét xử và thi hành án có thể kéo rất dài.

Lấy dẫn chứng từ Cục thi hành án dân sự TP.Hà Nội. 6 tháng đầu năm 2019, thi hành án dân sự toàn Thành phố phải giải quyết 4.156 việc, với số tiền tương ứng xấp xỉ 21.254 tỉ đồng; đã giải quyết được trên 2.128 tỉ đồng, còn tồn số tiền trên 19.125 tỉ đồng; trong đó số chưa có điều kiện thi hành, tức là khó có khả năng thu hồi và ngân hàng, tổ chức tín dụng có nguy cơ mất vốn là trên 4.611 tỉ đồng. Khoảng 25% mất vốn, đó là thống kê đòi nợ của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, còn với các cá nhân thì không thể có con số chính xác.

Đó là lý do vì sao những dịch vụ đòi nợ thuê mọc lên như nấm. Thực tế, đó là một việc được pháp luật công nhận, dù chưa thể gọi là nghề. Điều 365 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc Chuyển giao quyền yêu cầu ghi rõ: Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao cho người thế quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.

Cấm đòi nợ thuê - Ảnh 3
Một "băng" đòi nợ thuê gây náo loạn đường phố.

Nghĩa là nếu bạn có nợ khó đòi, bạn có thể chuyển giao quyền yêu cầu đòi trả nợ đó cho một bên khác. Tất nhiên, chả ai đi đòi nợ không công cả. Các dịch vụ đòi nợ thuê đưa ra mức hoa hồng giao động từ 20 cho đến 50% giá trị món nợ, tuỳ theo mức độ khó đòi. Điều không cần nói nhưng ai cũng hiểu, là nếu chính chủ nợ còn không đòi được, thì người đòi nợ thuê dĩ nhiên không thể hiền lành đặt tờ giấy vay nợ lên bàn mà được. Các nhóm đòi nợ thuê được tổ chức chuyên nghiệp, thành lập công ty, có đồng phục, có logo thương hiệu, thậm chí tự trang bị công cụ hỗ trợ (dùi cui điện, súng bắn đạn cao su…). Lại có cả các nhóm đòi nợ sử dụng xe ba bánh kiểu xe lam, trên thùng xe dán kín các khẩu hiệu thể hiện mình là thương binh, yêu nước và nhiều cống hiến, nhưng sẵn sàng quây kín các công ty, đơn vị, hay tư gia để gây áp lực đòi nợ.

Tôi từng nghe rằng, có cả dịch vụ bán thùng chứa đầy phân hôi thối đã trộn với dầu luyn để khó tẩy rửa hơn, giá 1 triệu đồng mỗi thùng. Và nếu mua cả thùng thì sẽ được tặng 1 túi… châu chấu còn sống, để cho vào thùng, khi mở ra đám châu chấu dính phân sẽ nhảy tung toé khắp nơi. “Đặc sản” này riêng dành cho việc đi đòi nợ và con nợ đóng cửa trốn. Chuyện này chưa thể kiểm chứng, nhưng những ngôi nhà bị tạt sơn, ném chất thải, xịt sơn những lời dằn mặt sặc mùi chết chóc độc địa lên cửa… là rất nhiều, ai trong chúng ta có thể cũng đã từng chứng kiến.

Cấm đòi nợ thuê - Ảnh 4
"Khủng bố" tư gia con nợ.

Đòi nợ thuê đã đành, “xã hội đen” còn chủ động tạo ra các món nợ để đi đòi. Chính là hoạt động cho vay nặng lãi, thò vòi bạch tuộc đến khắp hang cùng ngõ hẻm, gây mất trật tự trị an và muôn vàn cảnh khốn khổ cho những người vốn đã cùng đường.

Bởi vậy, tại phiên họp Quốc hội chiều 17/6, với 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" chính thức không được phép hoạt động. Một ngạch “làm ăn” tiềm ẩn rất nhiều bất ổn cho xã hội chính thức khép lại.

Với những biến tướng như đã nêu trên của “dịch vụ” đòi nợ thuê, nhiều người dân sẽ ủng hộ quyết định cấm của Quốc hội. Phần còn lại phải trông vào các cơ quan thi hành án, bởi vì thực sự có rất nhiều con nợ sẽ cười sung sướng mà phủi tay với các chủ nợ của mình, khi biết rằng luật pháp đôi khi chưa đáng sợ bằng những kẻ mặt mũi hùng hổ đứng chờ ở đầu ngõ.

Phạm Gia Hiền

Phạm Gia Hiền

Bạn đang đọc bài viết Cấm đòi nợ thuê. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới