Chủ nhật, 24/11/2024 10:23 (GMT+7)
Thứ năm, 18/06/2020 17:00 (GMT+7)

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hàng loạt công ty đòi nợ bỗng dưng thất nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Đại biểu Quốc hội vừa bấm nút thông qua một số sửa đổi Luật Đầu tư, trong đó 90,27% tổng số đại biểu tán thành chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hàng loạt công ty đòi nợ bỗng dưng thất nghiệp - Ảnh 1
Quốc hội biểu quyết thông qua luật Đầu tư (sửa đổi), đa số đồng ý phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngày 17/6, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh trong báo cáo giải trình tiếp thu cho biết đa số các ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.

Kiến nghị trên được đưa ra căn cứ vào việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì thực tế, thời gian qua có tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen" gây mất an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Ủng hộ “khai tử” dịch vụ này, thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (đại biểu An Giang) cho rằng hoạt động đòi nợ thuê nếu tồn tại sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật và gây ra hoang mang trong xã hội, mất niềm tin của nhân dân đối với lực lượng của chúng ta khi thực hiện việc quản lý xã hội.

Hiện cả nước có 115 doanh nghiệp đủ điều kiện về an ninh trật tự với 1.076 người làm nghề này nhưng riêng năm 2019 đã xử lý vi phạm 48 doanh nghiệp, thu hồi 8 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và khởi tố 573 vụ, 1.136 bị can; xử phạt 719 vụ với 1.040 đối tượng.

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP.HCM (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

Các nhóm tội phạm có tổ chức vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tín dụng đen, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Theo các đại biểu, tình trạng này tiếp diễn, kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, gây ra sự hoang mang trong xã hội, mất niềm tin của nhân dân, do đó cần cấm hoàn toàn dịch vụ đòi nợ thuê.

Khi quyết định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức được thông qua, các công ty có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thu hồi nợ như: Dân An, Đại Việt, Minh Tín, ... đã đến lúc phải tìm hướng đi mới cho mình.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hàng loạt công ty đòi nợ bỗng dưng thất nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới