Thanh Hóa: Mưa lớn liên tục, thủy điện Cẩm Thủy 1 thông báo xả lũ
6h00 phút sáng 27/9, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) phát đi thông báo về việc xả lũ hồ chứa Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 trên sông Mã (thuộc địa phận xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy) .
Theo văn bản thông báo, hiện nay nước trên sông Mã đang về Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 với lưu lượng 900m3/s đến 1.300m3/s. Vì vậy, nhà máy sẽ xả lũ đảm bảo về dưới mức nước chết 25,5m. Theo đó, nhà máy sẽ xả lũ với lưu lượng từ 900m3/s đến 1.500m3/s, tùy tình hình diễn biến thực tế. Thời gian xả lũ bắt đầu từ 9h sáng 27/9 tới 24h ngày 30/9.
Trong nội dung thông báo, phía nhà máy nêu rõ, kính đề nghị UBND các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định thông báo khẩn cho nhân dân để di dời, bảo vệ người và tài sản. Tuyệt đối cấm người dân đi lại đánh bắt cá, vớt củi... tại những khu vực nguy hiểm, gắn biển cảnh báo... Đồng thời, phía Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng tránh bảo vệ con người, tài sản theo thông báo này.
Lý giải về điều này với báo chí, ông Nguyễn Thế Nhật, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 cho rằng, nhà máy có cột nước thấp nên gần như không thể tích nước như các thủy điện lớn khác. Đồng thời, trên thượng nguồn có Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 nên việc xả lũ cũng sẽ phụ thuộc trên đó, khi trên đó có thông báo xả thì dưới này phía nhà máy mới thông báo và không chủ động được.
Trao đổi với PV, lãnh đạo huyện Cẩm Thủy cho biết, tối muộn ngày 26/9 chúng tôi cũng đã nắm được thông tin qua điện thoại, ngay sau đó đã thông tin đến lãnh đạo các xã qua nhóm zalo để có phương án chủ động trong công tác phòng chống lũ, lụt. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có một vài điểm bị ngập úng đó là các cánh đồng lúa và ngô, còn chưa có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, theo phản hồi từ một số người dân tại khu vực hạ lưu Thủy điện Cẩm Thủy 1, thông báo này từ phía nhà máy là quá gấp gáp, gây khó khăn cho công tác di dời, bảo vệ con người và tài sản, khi thời gian thông báo và xả lũ chỉ trong khoảng 3 giờ đồng hồ nên nếu có vấn đề gì thì "không kịp trở tay".
"Khoảng 7 giờ sáng nay tôi mới nhận được thông báo trên loa xã, sau đó là thông tin trên facebook. Việc nhà máy thông báo quá gấp gáp khiến chúng tôi không kịp làm gì cả. Việc thông báo chỉ trong vòng một vài tiếng đồng hồ thì chúng tôi làm sao kịp di tản người và tài sản nếu trường hợp xấu", một người dân cho hay.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản số 14417/UBND-NN gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường thực hiện triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,... đảm bảo tối đa an toàn về người và tài sản; Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Trong diễn biến liên quan tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong vòng đêm 26 và sáng ngày 27/9, trên địa bàn tỉnh này tiếp tục có mưa vừa đến mưa rất to; lượng mưa đo được tại các trạm tính từ 7h ngày 25/9 đến 1h ngày 27/9 phổ biến từ 92-139 mm. Một số nơi có lượng mưa lớn như: thủy văn Ngọc Trà (Quảng Xương) 168 mm, thủy văn Lèn (Hà Trung) 166 mm, thủy văn Cửa Đạt (Thường Xuân) 139 mm, khí tượng Nga Sơn 133 mm, khí tượng Tĩnh Gia (Nghi Sơn) 132,3 mm, thủy văn Bái Thượng (Thọ Xuân) 134 mm, thủy văn Xuân Vinh (Thọ Xuân) 118 mm, thủy văn Lý Nhân (Yên Định) 122 mm, thủy văn Kim Tân (Thạch Thành) 108 mm, đo mưa Ngọc Lặc 107 mm, khí tượng Thanh Hóa 98 mm, khí tượng Sầm Sơn 97 mm.
Hoàng Đức - Lê Hoa