Chủ nhật, 24/11/2024 08:42 (GMT+7)
Thứ năm, 10/09/2020 16:01 (GMT+7)

Cần đa dạng nguồn năng lượng

Theo dõi KTMT trên

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công thương xây dựng. Theo các chuyên gia, quy hoạch này cần phải tính tới những kịch bản trong tương lai mà Việt Nam phải đối mặt, tiêu biểu là nguồn cung ngày càng khan hiếm.

Cần đa dạng nguồn năng lượng - Ảnh 1
Đẩy mạnh năng lượng tái tạo ở khu vực miền trung và Nam bộ.

Chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng

Do thời tiết diễn biến bất thường, cùng với nhiều dự án điện chậm tiến độ, việc cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, năm 2020 vẫn cơ bản có thể bảo đảm nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện đang dần hiện hữu. Thậm chí, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tiếp tục tăng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ...

Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000-1.200 MW tại miền nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỉ kWh/năm. Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Cùng với khó khăn của ngành điện, nhiều ngành năng lượng khác cũng đang gặp khó khăn rất lớn, đòi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước phải theo kịp tình hình thực tiễn.

Hiện Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Công thương hoàn thiện, lấy ý kiến để trình Chính phủ cuối năm nay. Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho biết, thách thức của việc lập Quy hoạch Tổng thể năng lượng quốc gia rất khác so với khi làm các quy hoạch riêng lẻ cho điện, than hay dầu khí trước đây bởi Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng từ năm 2015.

Khi Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng với quy mô ngày càng tăng, theo các chuyên gia, bài toán phát triển song song mà quy hoạch năng lượng quốc gia cần tính đến là phát triển hạ tầng cơ sở đi kèm.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN chỉ ra, quy hoạch năng lượng cần phải tính tới câu chuyện hạ tầng nhập khẩu, cũng như nguồn nhập khẩu. “Thời gian tới, chúng ta cần xây dựng được hệ thống trữ khí, phân phối khí như các nước phát triển. Hay nhập khẩu khí dầu hóa lỏng (LNG), rõ ràng từ trước tới nay chưa có cảng khí LNG có quy mô lớn, đây là vấn đề chúng ta phải đánh giá trong quy hoạch”, ông Nguyễn Tài Anh bày tỏ.

Hiện phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu trong quy hoạch ngành dầu khí 2020 đều đạt và vượt. Nhưng riêng ở ngành công nghiệp khí còn nhiều điểm chưa đạt, như sản xuất khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới đạt gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%.

Vì vậy, để bảo đảm cung cấp khí cho thị trường trong nước cần phải tháo gỡ khó khăn và phát triển các dự án khí. Trong quy hoạch, cần phải tính toán về vấn đề nhập khẩu khí để hài hoà lợi ích, bảo đảm cho việc sản xuất trong nước.

Với ngành than, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nếu quy hoạch năng lượng quốc gia tới đây không tính tới cơ chế khuyến khích rõ ràng, nhất là về giá năng lượng, thì việc đầu tư mỏ than sẽ thêm khó khăn vì rủi ro lớn, doanh nghiệp không dám làm.

Nguyên nhân bởi hiện mục tiêu đặt ra là khai thác mỗi năm 50-56 triệu tấn than nhưng với điều kiện ngày càng phải xuống sâu, đòi hỏi phải áp dụng cơ giới hóa. Do đó, mỗi năm, Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam chỉ có thể khai thác tối đa 45 triệu tấn. Số thiếu hụt bắt buộc phải nhập khẩu để bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu phát triển điện, tiêu dùng và sản xuất.

Khuyến khích phát triển nhiều dạng năng lượng

Ông Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng có mối quan hệ căn bản cần giải quyết là Nhà nước và thị trường. Hiện hàm lượng kinh tế thị trường trong quy hoạch chưa cao. Đây là vấn đề cần giải quyết triệt để. Nguyên nhân là bởi, nhu cầu năng lượng đang ngày càng cao, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành này là yêu cầu cấp thiết.

Đặt vấn đề cần đưa ra mô hình dự báo giá năng lượng và có đánh giá độ nhạy về thay đổi giá năng lượng sơ cấp với dịch chuyển của nền kinh tế, các chuyên gia cũng đặt ra câu chuyện giá năng lượng phải đi theo quy luật của kinh tế thị trường. Chính vì vậy, các lựa chọn phương án giá phải được thể hiện trong xây dựng Quy hoạch Tổng thể năng lượng quốc gia lần này.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất một kịch bản phát triển đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, đẩy mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Nam bộ. LNG và nhiệt điện than sẽ duy trì ở mức hợp lý, nhưng cần được đổi mới công nghệ để đạt hiệu suất cao, giảm phát thải. Ngoài ra, ngành điện cũng cần xem xét nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu năng lượng trong nước.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, sử dụng tiết kiệm năng lượng là phương án tốt nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, chứ tăng nguồn cung mãi không phải là giải pháp hay. Đặc biệt, làm sao ngành năng lượng trước giờ luôn bị xem là ảnh hưởng không tốt tới môi trường thì phải ít tác động tới môi trường nhất, hướng tới phát triển bền vững.

Hà Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần đa dạng nguồn năng lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới