Chủ nhật, 24/11/2024 05:15 (GMT+7)
Thứ hai, 11/01/2021 17:00 (GMT+7)

Cần kiểm soát khí phát thải thay vì thu hồi xe máy cũ, nát

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia môi trường cho rằng, do thiếu khung pháp lý nên việc thu hồi xe máy cũ nát là chưa thể thực hiện được. Thực tế cho thấy, cần phải có quy định kiểm soát phát thải từ các phương tiện giao thông.

Bỏ ngỏ vấn đề kiểm soát phát thải từ xe máy?

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TM&MT) vừa đề nghị UBND TP.Hà Nội và TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học & Công nghệ môi trường - INEST, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng, ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 từ ngày 1/1/2017 (nếu chạy xăng) xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 3 từ 1/1/2017 để đảm bảo tiêu chuẩn khí phát thải. Tuy nhiên, khi xe máy đi vào lưu hành lại không được đăng kiểm để kiểm tra lượng khí phát thải giống như ô tô.

Cần kiểm soát khí phát thải thay vì thu hồi xe máy cũ, nát - Ảnh 1
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học & Công nghệ môi trường - INEST. 

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng ủng hộ chủ trương thu hồi các phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về không khí, vượt mức khí phát thải quy định. Tuy nhiên, việc loại bỏ như thế nào cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo xử lý hài hòa lợi ích giữa các bên. Đặc biệt, ông Dũng không đồng tình sử dụng giải pháp hành chính – mệnh lệnh, đưa ra các lệnh cấm.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề dưới góc độ ô nhiễm. Tức là căn cứ vào việc phương tiện nào khi đăng kiểm không đảm bảo tiêu chuẩn khí phát thải thì phải bị thu hồi hoặc có phương án xử lý chứ không dùng yếu tố mới - cũ để xác định. Bởi lẽ trên thực tế có nhiều dòng xe nhập khẩu dù đã sử dụng nhiều năm nhưng khí phát thải thấp hơn nhiều so với xe mới.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng có chính sách trợ giá là một trong những giải pháp hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân, không chỉ riêng xe máy.

Thiếu khung pháp lý thu hồi xe máy cũ

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam – VCAP, việc thu hồi mặc dù có công văn chỉ đạo của Bộ TN&MT nhưng ông tin rằng các địa phương không thể thực hiện được do thiếu khung pháp lý thu hồi xe máy cũ vốn là một tài sản cá nhân, mặc dù nhiều xe máy cũ gây ô nhiễm và không bảo đảm điều kiện lưu thông.

Ông Tùng cho biết, Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trong danh sách đó có dầu nhớt các loại, thiết bị điện, điện tử, ắc quy, pin, săm, lốp và có cả phương tiện giao thông gồm xe mô tô, xe gắn máy các loại và xe ô tô các loại. Đồng thời, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này và quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ và vận chuyển sản phẩm thải bỏ; Tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có quy định thế nào là xe thải bỏ.

Cần kiểm soát khí phát thải thay vì thu hồi xe máy cũ, nát - Ảnh 2
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam – VCAP. 

Thực tế, phương tiện giao thông là ô tô mặc dù chưa có quy đinh nhưng đã áp dụng niên hạn sử dụng đối với xe trên 9 chỗ có thể là 20 hay 25 năm, được kiểm tra hàng năm và định kỳ, nếu không đáp ứng sẽ không được dán tem và không thể lưu hành.

“Muốn thu hồi được xe máy cũ thì phải quy định mức khí phát thải của xe máy. Nếu xe chưa đảm bảo thì không được lưu hành hoặc phải có niên hạn sử dụng”, TS Hoàng Dương Tùng nói.

Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng, việc thu hồi hoặc kiểm tra khí phát thải xe máy sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Vì đây là phương tiện của một bộ phận không nhỏ người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo ông Tùng, nếu như công bố mức tiền kiểm tra khí thải ở mức hợp lý khoảng 50.000 đồng/năm là hoàn toàn phù hợp và đủ khả năng chi trả với người dân.

“Tôi nghĩ với mức này không ai phản đối cả. Người dân khó khăn nhưng ai cũng đều phải có trách nhiệm với xã hội, miễn là đưa ra mức phù hợp, chuyện kiểm tra phải làm nghiêm”, ông Tùng cho biết.

Trước đó, vào tháng 6/2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông để UBND TP.Hà Nội trình HĐND thành phố, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã tính toán phối hợp Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn về khí thải xe máy.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, Hà Nội sẽ thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn lưu thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện của các sở ngành, Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội và người dân rằng cần phải xem xét, tính toán kỹ hơn nên nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo đề án.

Đầu tháng 9/2020, Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố cho phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố".

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Cần kiểm soát khí phát thải thay vì thu hồi xe máy cũ, nát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới