Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/11/2020 06:15 (GMT+7)

Cần nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Theo Liên Hợp Quốc, cuộc sống của hơn 3 tỉ người trên thế giới đang bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước sạch, và các nguồn nước này đã giảm 20% trong 2 thập kỷ qua.

Hơn 3 tỉ người đang sống trong tình trạng thiếu nước sạch

Nước sạch luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi gia đình, mỗi quốc gia và cũng là vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt trong nhiều năm qua. Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nguồn tài nguyên nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Trong báo cáo về Tình trạng Nông nghiệp và Lương thực (SOFA) 2020 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 26/11 cho biết, nguồn nước sạch hiện có cho mỗi người dân trên thế giới trung bình đã giảm hơn 20% trong hai thập kỷ qua. Cơ quan này đã kêu gọi cần phải giải quyết kịp thời tình trạng khan hiếm nước ở cấp độ toàn cầu, bởi điều này đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 3 tỉ người trên thế giới.

Cần nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên toàn cầu - Ảnh 1
Nguồn nước là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Bắc Phi và Tây Á. 

Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cho rằng: "Chúng ta phải hết sức nghiêm túc với cả tình trạng khan hiếm nước và tình trạng thiếu nước vì đó là thực tế mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt".

"Tình trạng thiếu nước và khan hiếm nước cần phải được giải quyết mạnh mẽ và ngay lập tức", ông Qu nói thêm.

FAO nêu rõ thiếu hụt nguồn nước là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Bắc Phi và Tây Á, nơi lượng nước bình quân đầu người hàng năm đã giảm hơn 30% và "hiếm khi" đạt 1.000 m3 - cột mốc được coi là ngưỡng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của FAO Andrea Cattaneo nhấn mạnh, hiện 1,2 tỉ người sống ở những vùng nông nghiệp có khả năng sẽ phải hứng chịu tình trạng hạn hán và khan hiếm nước triền miên. Ông Cattaneo cho rằng áp lực ngày càng tăng đối với nguồn nước sẽ đe dọa cả an ninh lương thực toàn cầu và các hệ sinh thái thủy sinh.

Ô nhiễm nguồn nước cũng đe dọa cuộc sống người Việt

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, hiện mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh.

Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này. Một báo cáo gần đây của Bộ TN&MT vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) cho thấy, nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm, thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Bộ TN&MT cũng dự báo, đến năm 2025 lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số nêu trên. Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc.

Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Người dân ở nhiều nơi tuy đã có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng, nhưng việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn sơ sài, thiếu chế tài và các giải pháp đồng bộ thường xuyên.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Cần nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới