Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 14:21 (GMT+7)

Cần quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức đi vào thực tiễn với nhiều chính sách, giải pháp đột phá trong công tác BVMT. Tuy nhiên, áp lực của biến đổi khí hậu, “nạn” phá rừng, ô nhiễm môi trường... khiến công tác BVMT gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Công tác bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, sáng 29/7 vừa qua, Tổng cục Môi trường đã tổ chức “Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường". Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường.

Cần quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về BVMT

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong giai đoạn 2016-2021, môi trường nước ta vẫn đang chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nóng, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ đã có nhiều tổ hợp công nghiệp phức tạp, quy mô lớn được đầu tư vào Việt Nam tạo ra những thách thức lớn trong việc nhận diện, dự báo kịp thời các vấn đề môi trường. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mekong, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp thêm các vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, công tác quản lý môi trường trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức đi vào thực tiễn từ ngày 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Cũng theo Tổng cực Môi trường, hiện nay, chất lượng môi trường sống của người dân trong cả nước đang ngày càng được cải thiện. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện ở các địa phương trên cả nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác BVMT nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Môi trường ở một số địa phương vẫn bị ô nhiễm, tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những thể chế môi trường

Tại Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đã được nghe và tập trung thảo luận 4 chuyên đề bao gồm: Công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; quản lý chất lượng các thành phần môi trường; tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, GS - TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong vấn đề môi trường cần phải có thêm những quy định, tiêu chí lượng hóa về đa dạng sinh học; áp dụng công nghệ tốt nhất, phù hợp với nước ta và được cơ quan chức năng thẩm định trong việc đánh giá thiệt hại về tài nguyên; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành được cập nhật liên tục theo thực tế;

Cần thêm những công cụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tổng hợp cho một vùng miền; Những tham vấn cộng đồng về ĐTM cần phải được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để người dân đóng góp ý kiến, giám sát; Trong đánh giá tác động của dự án tới môi trường, phải có những cơ chế ràng buộc hơn nữa giữa chủ đầu tư và tư vấn độc lập.

Cần quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Môi trường ở một số địa phương vẫn bị ô nhiễm gây ảnh hưởng tới đời sống người dân

Bên cạnh đó, liên quan đến những bất cập trong quá trình thực hiện công tác ĐTM, Tiến sỹ Phạm Anh Dũng - Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường đề xuất trong thời gian tới, công tác ĐTM cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện để có bộ tiêu chí để có thể lượng hóa các thiệt hại về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học khi thực hiện dự án đầu tư, từ đó làm căn cứ yêu cầu chủ dự án có phương án trồng bù rừng, bồi hoàn đa dạng sinh học cụ thể, khả thi; cần nghiên cứu để có những đánh giá tác động của các dự án tới biến đổi khí hậu và ngược lại; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ĐTM ở các địa phương.

Tổng kết Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0" (“Không") vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

“Trong bối cảnh đó, Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về BVMT ngày hôm nay được coi như một diễn đàn mở, nhằm quy tụ được sự tham gia của đầy đủ các thành phần từ cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động trong công tác BVMT; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về BVMT trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Kết quả của Hội thảo chuyên đề ngày hôm nay là chất liệu quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 và định hướng giai đoạn 2022 – 2025 của ngành tài nguyên và môi trường được trình bày tại Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V tổ chức vào ngày 04/8/2022 tới đây.", ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Cần quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới