Chủ nhật, 24/11/2024 10:44 (GMT+7)
Thứ năm, 16/01/2020 07:45 (GMT+7)

'Cần rút kinh nghiệm trong công tác xử lý sự cố hóa chất'

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức rút kinh nghiệm công tác xử lý sự cố hóa chất do cháy nổ tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội.

'Cần rút kinh nghiệm trong công tác xử lý sự cố hóa chất' - Ảnh 1
Lực lượng Binh chủng Hóa học phun hóa chất tẩy độc mặt nền nhà xưởng của Công ty Rạng Đông, ngày 5/10/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban quốc gia) đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Theo báo cáo, năm 2019, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, mưa dông, lốc tại nhiều địa phương làm hư hỏng nhiều nhà ở; tai nạn, sự cố, cháy nổ nghiêm trọng có chiều hướng tăng. Đặc biệt là mưa lũ cục bộ tại một số tỉnh gây ra lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng; cháy nổ, cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết nhiều người và thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Năm 2019, Ủy ban quốc gia đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều phối, các bộ, ngành, địa phương điều động hơn 207.000 lượt người, hơn 7.000 lượt phương tiện tổ chức ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn với 3.505 vụ.

Qua đó, 5.143 người và 252 phương tiện đã được cứu, trong đó có 51 vụ/225 người/16 phương tiện có yếu tố nước ngoài. Lực lượng chức năng đã thông báo, kêu gọi cho 510 ngàn lượt phương tiện, với gần 2,4 triệu lượt người hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn...

Cần rút kinh nghiệm công tác xử lý sự cố hóa chất

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần, trách nhiệm, hành động quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải rất nỗ lực, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm để khắc phục có hiệu quả. Thiệt hại do thiên tai còn lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Công tác ứng phó với thiên tai, sự cố, tìm kiếm, cứu nạn có lúc, có nơi còn chủ quan, còn bị động, còn để bị bất ngờ, lúng túng.

Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng và yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức rút kinh nghiệm công tác xử lý sự cố hóa chất do cháy nổ tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc khắc phục hậu quả tuy đã đạt được nhiều mặt tích cực, tuy nhiên có những vụ còn chậm nên hậu quả xảy ra còn lớn. Đặc biệt liên quan đến các vụ cháy, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho ứng cứu, sự cố, xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy nhà cao tầng còn thiếu. Việc di chuyển, cơ động khi cứu nạn, cứu hộ, nhất là trong các thành phố, khu dân cư còn khó khăn.

Công tác quản lý tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển, công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển chưa được chặt chẽ. Công tác dự phòng trang bị, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu “4 tại chỗ” tại một số địa bàn nằm trong vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Không để bị động, bất ngờ

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; thời tiết trên biển, vùng ven bờ tiếp tục có khả năng diễn biến phức tạp hơn đồng thời, các hoạt động sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố.

Tình hình trên cùng với những tồn tại, hạn chế của công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đang đặt ra cho Ủy ban nói chung, các thành viên, các bộ, ngành, địa phương những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Phó Thủ tướng lưu ý, vấn đề phòng, chống các sự cố sau thiên tai, mưa bão cần đặc biệt quan tâm vì thực tiễn thời gian qua, thiệt hại chủ yếu lại là các sự cố sau thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,... Đây những vấn đề mà các cấp, các ngành, địa phương cần chung tay giải quyết.

"Yêu cầu là không để bị động, bất ngờ khi xảy ra thiên tai, sự cố. Đồng thời gắn công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn với công tác phòng, chống thiên tai. Khi xảy ra sự cố phải khắc phục nhanh để giảm thiểu những thiệt hại, đặc biệt là về tính mạng người dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 yêu cầu.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, tham mưu với Chính phủ để giải quyết các vướng mắc trong hệ thống quy định pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo có liên quan thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng ứng phó, xử lý, khắc phục các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn xảy ra.

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, sự cố hóa chất độc xạ, sinh học.

Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho mọi tầng lớp nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân ứng phó với tình huống cháy nổ, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường kiểm tra các cơ sở hoạt động có nguy cơ cháy nổ cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp quốc gia về ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các loại hình thiên tai khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các Trung tâm đăng kiểm tàu cá thực hiện tốt việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá; quản lý thuyền viên tàu cá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không đốt bừa bãi gây cháy rừng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, đảm bảo kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quy trình vận hành hồ chứa, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể và chính quyền địa phương, hướng dẫn cụ thể rõ ràng, không để lúng túng trong vận hành hồ chứa nước.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong việc lập bản đồ các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vấn đề này phải làm quyết liệt" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện và các công trình thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành; xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố hóa chất độc xạ; hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố theo quy định.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khác, các thành viên Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm hơn nữa, tập trung theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên các nhiệm vụ đã được phân công.

Xuân Tùng

Bạn đang đọc bài viết 'Cần rút kinh nghiệm trong công tác xử lý sự cố hóa chất'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới