Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/10/2019 14:15 (GMT+7)

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các vi phạm về nguồn nước

Theo dõi KTMT trên

Sau sự cố nước sạch Sông Đà, hàng loạt vấn đề liên quan đến bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước được đặt ra. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên (Bộ TN&MT) nước xung quanh vấn đề này.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các vi phạm về nguồn nước - Ảnh 1
Ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay việc quản lý cấp nước phục vụ mục đích sinh hoạt được thực hiện như nào?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân phải đầu tư công trình khai thác nguồn nước từ sông, suối hay từ các giếng khoan, sau đó sẽ phải xử lý để bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy chuẩn cho ăn, uống, sinh hoạt của Bộ Y tế rồi mới được đưa vào hệ thống phân phối, cấp nước đến từng hộ dân. Các đơn vị khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước cung cấp đến từng hộ dân, đồng thời phải bảo đảm việc cung cấp nước ổn định.

Hiện nay, việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ xây dựng và Ủy ban nhân các cấp chỉ đạo. Việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Còn việc quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác... đồng thời Luật cũng quy định Ủy ban nhân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Phóng viên: Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nước mặt theo giấy phép nào? Tại giấy phép quy định Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà phải thực hiện những biện pháp gì để đảm bảo an toàn nguồn nước cấp cho sinh hoạt?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Để khai thác nước phục sản xuất nước sạch, Công ty Cổ phần sông Đà đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt được bơm từ sông Đà. Trong đó đã quy định rõ các yêu cầu, điều kiện mà Công ty phải thực hiện trong quá trình khai thác nước từ sông Đà như: bảo đảm cung cấp nước ổn định, an toàn; xử lý nước bảo đảm chất lượng nước theo quy chuẩn; thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước tại khu vực lấy nước trên sông Đà, kênh dẫn nước sông và trạm bơm nước trong kênh, hồ Đầm Bài và trạm bơm nước hồ Đầm Bài; thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sông Đà và hồ Đầm Bài; thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ảnh hưởng xấu tới nguồn nước và môi trường; trường hợp xảy ra sự cố công trình thì phải dừng ngay việc khai thác và báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương để có biện pháp xử lý...

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các vi phạm về nguồn nước - Ảnh 2
Cần tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước phục vụ hoạt động của Nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh minh họa

Phóng viên: Sau sự cố vừa qua, cơ quan quản lý có yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà triển khai những biện pháp cụ thể gì để đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Ngay sau có thông tin về sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm tra, xác minh, thực hiện các biện pháp nhằm nhanh chóng khắc phục sự cố, bảo đảm việc cấp nước an toàn cho người dân... như mọi người đã biết. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà phải thực hiện ngay một số biện pháp trước mắt, lâu dài để khắc phục sự cố, bảo vệ nguồn nước mặt cung cấp cho nhà máy nước sông Đà.

Theo đó, yêu cầu Công ty phải thực hiện các biện pháp trước mắt như: xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước, đất, bùn, cỏ cây nhiễm dầu thải; phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình xây dựng và thực hiện nghiêm Quy chế quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa đối với hồ Đầm Bài; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xác định thủ phạm đổ đầu thải gây ô nhiễm nguồn nước...

Về lâu dài, theo tôi, phải tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước phục vụ hoạt động của Nhà máy; tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài theo quy định; thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó và khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước; có giải pháp đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô từ sông Đà về Nhà máy để xử lý, sản xuất đảm bảo an toàn cấp nước... Trường hợp nước thô đầu vào có dấu hiệu bị ô nhiễm, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất và báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương.

Phóng viên: Cơ quan quản lý sẽ triển khai các biện pháp gì để đảm bảo an toàn nước cấp sinh hoạt trên toàn quốc, thưa ông?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Sự cố tại Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà vừa qua là một bài học cảnh tỉnh về vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho mọi người dân, nhất là tại các thành phố lớn. Qua đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, đặc biệt là các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời. Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng Cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các vi phạm về nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới