Chủ nhật, 24/11/2024 05:36 (GMT+7)
Thứ tư, 28/09/2022 17:50 (GMT+7)

Cảnh báo lừa đảo từ các cuộc gọi, tin nhắn mời vay vốn ngân hàng

Theo dõi KTMT trên

Thủ đoạn gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng thông báo đóng tài khoản, hoặc mở tài khoản cho vay không cần thế chấp, lãi suất thấp... đã được các đối tượng tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo...

Mới đây, Công an huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện đã tạm giữ hình sự 8 đối tượng để điều tra về hành vi giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo lừa đảo từ các cuộc gọi, tin nhắn mời vay vốn ngân hàng - Ảnh 1
Cảnh báo gia tăng lừa đảo qua tin nhắn mạo danh ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Chánh xác định một nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại, đang ngụ tại địa chỉ F11/8/1A, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A và địa chỉ D20/18K, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B.

Vào 17 giờ ngày 24/9, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Chánh phối hợp Công an xã Vĩnh Lộc A và Công an xã Vĩnh Lộc B tiến hành kiểm tra hành chính, mời 8 đối tượng gồm: Lê Thị Thanh Sáu (32 tuổi, ngụ quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Quốc Đạt (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú); Đỗ Huy Đạo (36 tuổi, quê quán Thanh Hóa); Lưu Thị Kim Ngân (18 tuổi, quê quán Tiền Giang); Quách Mỹ Kỳ (18 tuổi, quê quán Sóc Trăng); H.L.N.N.V. (16 tuổi, quê quán Bình Thuận); P.T.P.M. (17 tuổi, quê quán Đồng Nai); N.T.B.N. (17 tuổi, quê quán Nghệ An) về trụ sở làm việc. Cơ quan Công an cũng tạm giữ laptop, điện thoại di động, con dấu... nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo. Điều tra ban đầu xác định, Lê Thị Thanh Sáu và Nguyễn Quốc Đạt đóng vai trò cầm đầu băng nhóm lừa đảo này. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện để chào mời khách hàng vay vốn theo 2 gói vay với lãi suất 0 đồng, kèm điều kiện phải đóng gói bảo hiểm vay tương ứng số tiền vay.

Trong đó, với gói vay từ 10 đến 20 triệu đồng thì khách hàng phải đóng lại tiền bảo hiểm 1.875.000 đồng; vay gói từ 60 đến 100 triệu đồng thì khách hàng phải đóng lại tiền bảo hiểm 3.820.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu vay, các đối tượng này sẽ ghi chú thông tin, kết bạn Zalo hoặc nhắn tin trao đổi, hướng dẫn các bị hại cung cấp chính xác thông tin về địa chỉ nhà ở hiện tại, căn cước công dân… Sau đó sẽ chuyển hồ sơ lại cho H.L.N.N.V. giả danh bộ phận thẩm định vay để liên hệ thẩm định lại việc vay vốn với bị hại vào lúc 16 giờ hàng ngày. Với những hồ sơ xác nhận các bị hại sẽ vay tiền, đối tượng V. tập hợp lại để chuyển về cho Sáu và Đạt để tiến hành phân loại, in hồ sơ duyệt vay và đóng gói bưu phẩm kèm thẻ ngân hàng giả rồi chuyển lại cho V. Sau khi hoàn tất thủ các thủ tục và bị hại đã chuyển tiền mua bảo hiểm, V. gửi bưu phẩm cho đối tượng Đỗ Huy Đạo để giao cho nhân viên bưu cục vận chuyển cho bị hại. Đến khi nhận thẻ ngân hàng, bị hại không rút được tiền, gọi lại thì nhân viên ngân hàng "dỏm" đổ do lỗi thẻ, hứa sẽ cử nhân viên đến tận nhà giao tiền trực tiếp nhưng sau đó thì "lặn" mất tăm, cắt liên lạc với bị hại. Với mỗi giao dịch thành công, Sáu chi trả công từ 150.000 - 450.000 đồng, tùy vào gói bảo hiểm khách hàng mua. Các đối tượng khai nhận đã thực hiện thành công khoảng 10 giao dịch cho vay gói từ 10 đến 50 triệu đồng của những bị hại ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang,... Hiện Cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng. Cơ quan Công an đề nghị ai là bị hại của nhóm đối tượng này cần nhanh chóng tới Công an huyện Bình Chánh để trình báo, đồng thời cũng cảnh báo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này. * Ngày 27/9, Công an Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã xử phạt hành chính L.T.N. (29 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) với số tiền 7,5 triệu đồng và buộc cam kết không tái phạm hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật. Cụ thể, L.T.N. là trưởng nhóm kinh doanh thuộc Công ty bất động sản Đại An Lộc (có địa chỉ tại quận Tân Bình) đã sử dụng tài khoản Facebook "Đất nền quận 10" đăng tải bài viết quảng cáo, rao bán dự án đất nền tại góc ngã tư đường Thành Thái - Tô Hiến Thành (Phường 14, Quận 10).

Khi giới thiệu dự án, N. đưa hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, pháp lý dự án, bản đồ quy hoạch phân lô cho khách hàng xem và khẳng định đây là dự án có thật, được chủ đầu tư ủy quyền cho Công ty bất động sản Đại An Lộc bán. Tuy nhiên thực tế, tại vị trí khu đất này chưa có pháp lý để triển khai dự án như lời quảng cáo.

Gia tăng lừa đảo qua tin nhắn mạo danh ngân hàng

Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) đã cung cấp tính năng Tra cứu trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn). Tính năng này cho phép người dùng tra cứu website và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo. Danh sách các tài khoản và website được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Với tính năng tra cứu website lừa đảo, danh sách các website lừa đảo sẽ hiển thị trên hệ thống với các nội dung: tên website, lĩnh vực lừa đảo (tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, báo chí, dịch vụ trực tuyến...), tình trạng xử lý (đã xử lý/đang xử lý/đang xác minh).
Khi truy cập vào tính năng "Tra cứu tài khoản", người dùng sẽ nhìn thấy danh sách các tài khoản được báo cáo đã kiểm duyệt. Các thông tin hiển thị bao gồm thông tin số tài khoản, chủ sở hữu, ngân hàng phát hành cùng với trạng thái "lừa đảo", "an toàn" hoặc "đang xác minh".

Khi chọn xem một tài khoản cụ thể, ngoài việc có thể xem các thông tin về tài khoản, người dùng còn có thể xem các bình luận, đánh giá của mọi người về tài khoản này cũng như để lại bình luận và chọn tài khoản này là "an toàn", "lừa đảo", hay "không rõ" theo ý kiến đánh giá.

Ngoài tra cứu, người dùng có thể báo cáo các website, tài khoản lừa đảo ngay trên hệ thống. Sau khi cung cấp đủ thông tin, hệ thống sẽ kiểm tra, xác thực sau đó được duyệt và hiển thị trên giao diện tra cứu tài khoản.

Nội dung các tin nhắn giả mạo thường thông báo tài khoản của khách hàng đã bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền… với đường dẫn đính kèm yêu cầu người dùng nhập tên tài khoản, mật khẩu, mã xác thực 1 lần (OTP) và làm theo hướng dẫn để khắc phục vấn đề.

Các website giả mạo trang thông tin điện tử của ngân hàng được các đối tượng lừa đảo sử dụng để đánh lừa người dùng truy cập có tên miền. Một số tên miền lừa đảo phổ biến như online.acbvnx.com, online.acbonliine.com, acb.vn-ul.top, scb.vn-kr.xyz, scb.vn-scb.xyz, scb.vn-scb.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-zt.xyz, scb.vn-co.top, scb.vn-cb.xyz, scb.vn-vp.xyz, scb.vn-zl.xyz, techcombank.vn-lt.xyz, vpbank.vn-sc.top, vpbank.vn-ic.top, vpbank.vn-ty.top, vpbank.vn-ty.info...

An Như

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo lừa đảo từ các cuộc gọi, tin nhắn mời vay vốn ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới