Chủ nhật, 24/11/2024 11:52 (GMT+7)
Thứ ba, 27/09/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/9

Theo dõi KTMT trên

Bão Noru có thể mạnh lên thành siêu bão cấp 16-17 từ chiều tối nay; Trao giải cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường TP.Hà Nội; 21 đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giảm nhẹ rủi ro bão số 4... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Bão Noru có thể mạnh lên thành siêu bão cấp 16-17 từ chiều tối nay

Tại cuộc họp ứng phó với bão Noru do Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì sáng nay, 27/9. Bão Noru đang duy trì sức gió mạnh cấp 14-15, giật cấp 17. Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện trên ảnh vệ tinh, bão Noru có thể mạnh lên cấp siêu bão ngay trong chiều tối nay.

"Khả năng bão có thể mạnh lên cấp 16 là cấp siêu bão từ chiều đến tối nay, 27/9. Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều nơi phải nâng cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai lên tới cấp cao nhất là cấp 5, cần sẵn sàng cho tất cả tình huống" – ông Khiêm cảnh báo.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/9 - Ảnh 1
Bão Noru có thể mạnh lên thành siêu bão cấp 16-17 từ chiều tối nay.

Trước đó, từ 7h sáng hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với Noru. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh, đồng thời, cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong 12 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm. Đến 22h đêm nay, vị trí tâm bão sẽ ở trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cách bờ khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru kéo dài từ các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng, bắt đầu từ chiều nay (27/9); sóng biển tại khu vực sẽ cao từ 3-5m, vùng gần tâm bão từ 6-8m.

Tạp chí Kinh tế Môi trường giành Giải Nhất cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường TP.Hà Nội

Sáng 27/9, Ban tổ chức cuộc thi viết về "Bảo vệ Môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội lần thứ II", năm 2021-2022 đã tổ chức Lễ trao giải cho 16 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải và các cá nhân, tổ chức đã có đóng góp cho việc bảo vệ môi trường Thủ đô.

Đây là lần thứ hai cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội" được báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT TP.Hà Nội tổ chức, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội chủ trì, theo Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 12/01/2022 của TP.Hà Nội.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/9 - Ảnh 2
Tạp chí Kinh tế Môi trường giành Giải Nhất cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường TP.Hà Nội.

Loạt bài 5 kỳ: "Ao, hồ tại Hà Nội bị "gặm nhấm" trong cơn lốc đô thị hóa" của nhóm tác giả: Phạm Giang, Ngọc Ánh, Bùi Hằng, Nguyễn Cường, Hải Đăng, Ngạc Hiệp, Linh Chi đăng trên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi viết về "Bảo vệ Môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội lần thứ II".

Ban tổ chức đánh giá, loạt bài 5 kỳ do nhóm tác giả của Tạp chí Kinh tế Môi trường thực hiện đã phản ánh rõ nét về thực trạng san lấp, lấn chiếm, ô nhiễm ao, hồ trên địa bàn TP.Hà Nội, đồng thời đề xuất một số giải pháp từ các chuyên gia để Hà Nội giữ gìn, bảo tồn ao, hồ, bảo vệ những "lá phổi xanh" trên địa bàn Thành phố.

Tác phẩm được đầu tư công phu, gây ấn tượng mạnh khi được trình bày dưới hình thức Longform với các hình ảnh mang tính báo chí cao, sắc nét,.. làm rõ được tình trạng lấn chiếm ao hồ trên địa bàn TP.Hà Nội dẫn tới những hệ lụy không nhỏ về môi trường.

21 đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giảm nhẹ rủi ro bão số 4

Cuối giờ chiều 27/9, các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm lên phương án đánh giá, làm cơ sở kích hoạt cứu trợ chủ động với ảnh hưởng của bão số 4 đối với một số địa phương miền Trung Việt Nam.

Cuộc họp có sự tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến của 21 đối tác quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó có một số tổ chức, đơn vị thuộc Liên Hợp quốc như Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Chương trình Phát triển (UNDP), Quỹ Dân số (UNFPA), Tổ chức Nông lương (FAO); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (JICA); các đại sứ quán: Australia, Canada, Hàn Quốc…

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT) đã thông tin đến các đối tác về diễn biến bão số 4. Đây là cơn bão được cơ quan khí tượng nhận định là mạnh nhất trong vòng 20 năm. Dự kiến, bão đổ bộ Thừa Thiên Huế - Bình Định vào rạng sáng 28/9.

Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao đối với việc thành lập các đoàn công tác đánh giá tác động của bão số 4 theo đề xuất của đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT). Đồng thời, cho ý kiến về phương thức tổ chức, đề xuất một số giải pháp để thực hiện công tác đánh giá, thu thập thông tin hiệu quả phục vụ công tác cứu trợ kịp thời...

Sau thời gian đánh giá rủi ro từ bão số 4, các đoàn sẽ tổng hợp thông tin để cung cấp cho cơ quan Chính phủ Việt Nam, cũng như những nhà tài trợ. Từ đó có những quyết định về việc kích hoạt các hành động về cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ cho Chính phủ và người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão số 4.

Tỉnh Kon Tum xảy ra động đất ngay trước thời điểm bão số 4 đổ bộ

Trưa ngày 27/9, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu phát đi bản tin cảnh báo động đất. Theo đó vào lúc 11 giờ 04 phút 36 giây ngày 27/9/2022, một trận động đất có độ lớn 3,2 độ richter, độ sâu chấn tiêu 8,1km đã xảy ra tại tọa độ 14,929N - 108,250E tại vị trí huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/9 - Ảnh 3
Động đất có độ lớn 3,2 độ richter, độ sâu chấn tiêu 8,1km đã xảy ra tại tọa độ 14,929N - 108,250E tại vị trí huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trận động đất này xảy ra ngay trước thềm cơn bão số 4 đổ bộ. Tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão đi vào đất liền.

Theo thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ ngày 27 - 28/9 bão số 4 (bão Noru) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum, gây gió mạnh và mưa to đến rất to trên diện rộng.

Theo đó, các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, lượng mưa có khả năng đạt từ 250 - 350 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt; gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, có nơi cấp 9, giật cấp 11. Các huyện: Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi và TP. Kon Tum, lượng mưa có khả năng đạt từ 100 - 250 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt; gió mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6 - 7, giật cấp 9.

Xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn héc ta lúa ở ĐBSCL

Tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 ở ĐBSCL được dự báo là sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng lại ít nghiêm trọng hơn thời điểm năm 2015-2016 và 2019-2020. Tuy nhiên, Cục trồng trọt cảnh báo, có hàng trăm nghìn héc ta lúa ở các địa phương ven biển vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở các vùng cửa sông Cửu Long, vào tháng 11 và 12-2022, ranh mặn 4 gam/lít ở mức cách các cửa sông 20-30 km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.

Đến tháng 1 và 2/2023, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu hơn và cách cửa sông khoảng 50-60 km, cao hơn 5-8 km so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn khoảng 8-20 km so với năm 2020. Tuy xâm nhập mặn không cao nhưng phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, đặc biệt là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.

Đến tháng 3/2023, tình trạng xâm nhập mặn ở mức nào tùy thuộc vào điều tiết nước từ các đập ở thượng nguồn sông Mekong. Chẳng hạn, nếu nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm nhưng nếu nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 2/2023.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, các địa phương ven biển của ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang có diện tích khoảng 900.000 héc ta, chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng.

Đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng gây ảnh hưởng đến 43.300 héc ta, trong đó Long An 3.100 héc ta; Tiền Giang 21.800 héc ta; Bến Tre 16.000 héc ta và Sóc Trăng 3.100 héc ta.

Hội nghị cấp Bộ trưởng đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ 2

Vừa qua, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ 2 (AGGPM), với sự tham gia của các Bộ trưởng và đại diện các tổ chức quốc tế cùng một số doanh nghiệp đến từ các nước châu Á, Trung Đông.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận về tầm quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng, nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng trong bối cảnh tình hình năng lượng toàn cầu đang có những biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phát triển kinh tế ở hầu hết các nước trên thế giới.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/9 - Ảnh 4
Hội nghị cấp Bộ trưởng đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ 2 tại Tokyo (Nhật Bản).

Trên cơ sở “Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng châu Á (AETI)” được công bố tại Hội nghị lần thứ nhất, Hội nghị đã tiến hành cập nhật tiến độ triển khai các sáng kiến của khu vực công và tư, đồng thời tiếp nhận các đề xuất, giải pháp mới nhằm tiếp tục thực hiện các sáng kiến này.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN, kèm theo đó là tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tăng nhanh.

Đứng trước yêu cầu về bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững, ngành năng lượng phải đối mặt với nhiều thách thức như cung ứng đủ điện, sạch, chất lượng và chi phí phù hợp.

Đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đến cách thức chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo đi kèm với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới