Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 28/9
Bão Noru giảm cấp nhanh khi đổ bộ đất liền; 9 sân bay được mở cửa trở lại sau bão Noru; Cảnh báo khí hậu Trái Đất tiến gần đến điểm "không thể quay đầu"... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Bão Noru giảm cấp nhanh khi đổ bộ đất liền
Ngày 28/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thời điểm tâm bão Noru vào đất liền Trung Trung Bộ lúc 3h, sức gió mạnh nhất duy trì cấp 11(103-117 km/h), giật cấp 13 (134-149 km/h).
Trong khi trước đó, dự báo cho thấy bão có thể đổ bộ với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Cực đoan hơn, một số đài quốc tế như Mỹ, Bắc Kinh hay Hong Kong cho kịch bản Noru vào đất liền với sức gió mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.
Nếu theo các kịch bản trên, cường độ của Noru khi vào đất liền là chưa từng ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng Việt Nam. Rất may, điều này đã không xảy ra.
"So với số liệu thực tế, dự báo quốc tế cao hơn 2-3 cấp khi bão trên Biển Đông và hơn 3-4 cấp khi đổ bộ vào đất liền. Trong khi đó, dự báo của Việt Nam cho số liệu chính xác khi bão trên Biển Đông và cao hơn 1-2 cấp khi bão vào đất liền", cơ quan khí tượng nhận định.
Theo chuyên gia khí tượng, có nhiều nguyên nhân khiến bão Noru giảm cấp nhanh chóng khi vào gần đất liền, nhưng yếu tố quan trọng là mức độ ma sát với địa hình và độ ẩm của biển.
Cụ thể, khi bắt đầu áp sát vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi chiều 27/9, bão bắt đầu có dấu hiệu giảm cấp do gặp vùng nước nông, dễ tạo ma sát.
Trước đó, nhiều đài quốc tế chưa tính đến yếu tố địa hình nên cho rằng bão giữ cường độ mạnh cấp 15, thậm chí mạnh thành cấp siêu bão khi vào vùng biển miền Trung.
Kể từ 15h chiều 27/9 đến khi đi áp sát đất liền đêm 28/9, Noru giảm từ cấp 14-15 xuống cấp 11-12. Khi vào đất liền, ma sát địa hình khiến bão tiếp tục giảm sức gió ảnh hưởng xuống còn cấp 11, giật cấp 13 cho vùng ven biển và cấp 8-9 ở sâu trong đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam.
Quảng Ngãi: Yêu cầu khắc phục khẩn 633 căn nhà tốc mái, hư hỏng
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10h30 ngày 28/9, qua thống kê ban đầu, bão số 4 đã làm 3 ngôi nhà trên địa bàn huyện Sơn Tây và huyện Bình Sơn bị sập đổ; 633 nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Trong đó, huyện Lý Sơn 250 nhà, Sơn Tây 230 nhà, Trà Bồng 95 nhà, Sơn Hà 43 nhà, Minh Long 7 nhà, Bình Sơn 5 nhà và Nghĩa Hành 3 nhà; 8 điểm trường học, nhà công trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng.
Toàn tỉnh có 216 nghìn hộ dân bị mất điện, tập trung tại các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Lý Sơn, Ba Tơ, Mộ Đức, Sơn Tây. Điện lực Quảng Ngãi đang khẩn trương khắc phục.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 172,5ha hoa màu, rau bị bị hư hỏng (huyện Nghĩa Hành 21,9ha và TP.Quảng Ngãi 150,6ha); 18,2ha cây trồng hàng năm ở huyện Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi và 70ha hành ở huyện Lý Sơn bị hư hỏng…
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo khẩn, yêu cầu khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 4.
Ông yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước chủ động thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị mình trở lại làm việc bình thường vào chiều ngày 28/9.
Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân chủ động cho công nhân, người lao động, trở lại làm việc bình thường, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị.
Khẩn trương triển khai công tác khắc phục các cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân, phân công lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, sụp đổ.
9 sân bay được mở cửa trở lại sau bão Noru
Hôm nay (28/9), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Đinh Việt Thắng cho biết, đơn vị này đã có quyết định mở lại 9 trong tổng số 10 sân bay bị tạm đóng cửa để phòng, chống bão số 4 (bão Noru).
Cụ thể từ 12h ngày 28/9, các sân bay Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Vinh sẽ mở cửa trở lại, khai thác bình thường. Sân bay Đà Nẵng dự kiến sẽ mở lại vào hồi 13h30 cùng ngày.
Đối với các sân bay còn lại (trừ sân bay Đồng Hới) sẽ dự kiến mở lại sau 14h ngày 28/9. Ngoài các sân bay nói trên, 2 sân bay Tuy Hòa và Phù Cát đã hoạt động bình thường sau khi điều kiện thời tiết tốt lên sau bão Noru.
Trong khi đó, hiện chỉ còn sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) đang được tiếp tục theo dõi để quyết định thời điểm mở cửa trở lại.
Trước đó, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4 (bão Noru), Cảng vụ hàng không miền Trung đã buộc phải ra quyết định đóng cửa 10 sân bay. Các hãng hàng không đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay có điểm đến/đi tại các sân bay miền Trung.
Trong chiều 26/9, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị để triển khai kế hoạch ứng phó cơn bão số 4 (Bão Noru). Trong đó nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, tổ chức thực hiện trực 24/24 giờ.
Cảnh báo khí hậu Trái Đất tiến gần đến điểm "không thể quay đầu"
Khí hậu Trái Đất đang thay đổi nhanh đến mức nhân loại không còn cơ hội để cứu vãn điều này. Đây là cảnh báo của nhà khoa học người Anh Jane Goodall, đồng thời là nhà hoạt động tích cực vì môi trường trong hàng thập kỷ qua.
Bà Goodall cho rằng không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Bà nhấn mạnh thế giới đang tiến gần đến điểm "không thể quay đầu" theo nghĩa đen.
Bà Goodall, 88 tuổi, được biết đến với công trình nghiên cứu tiên phong về hành vi của tinh tinh ở Tanzania kéo dài sáu thập kỷ qua. Bà Goodall bắt đầu nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường khi làm việc ở Mông Cổ vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Bà nhận ra rằng nếu không giúp nông dân nghĩ cách mưu sinh mà không phải phá rừng để trồng trọt, môi trường sống của tinh tinh và các loài động vật khác sẽ bị đe dọa.
Bà cho biết mặc dù đã có một số thay đổi tích cực trong những thập kỷ gần đây, song thế giới vẫn cần nhanh chóng hành động để đảo ngược những tác động đối với môi trường.
Jane Goodall là nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh và là sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc. Bà được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về tinh tinh với hàng chục năm nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và gia đình của tinh tinh hoang dã trong vườn quốc gia Gombe Stream (Tanzania).
Loài voi cổ đại khổng lồ Gomphothere từng xuất hiện ở Chile
Gomphothere, một loài voi đã tuyệt chủng có họ hàng với voi hiện đại ngày nay, có thể đã lang thang ở miền Nam Chile từ hàng nghìn năm trước và là mục tiêu săn bắt của cư dân bản địa.
Giả thuyết này được các nhà khoa học Chile đưa ra sau khi phát hiện một số bộ phần còn sót lại của voi Gomphothere có niên đại 12.000 năm ở gần hồ Tagua Tagua lạnh giá ở miền Nam nước này.
Voi Gomphothere cổ đại có thể nặng tới 4 tấn và cao 3m, khiến các nhà khoa học tin rằng chúng là mục tiêu của các cuộc đi săn theo nhóm của cư dân bản địa.
Nhà khảo cổ học Carlos Tornero cho biết các nhà khoa học đang nghiêng về giả thuyết này vì voi Gomphothere có kích thước rất lớn và rất hung tợn, do đó các cuộc săn bắt loài này cần nhiều người cùng tham gia.
Theo các nhà khoa học, với khám phá này, họ có thể nghiên cứu sâu hơn về tác động của con người đối với khu vực mà ngày nay là miền Nam Chile, cũng như việc các điều kiện khí hậu thay đổi đã ảnh hưởng như thế nào đến các loài động vật tại đây vào thời điểm đó.
Theo nhà khảo cổ học Elisa Calas, phát hiện này mang lại rất nhiều thông tin mới, chẳng hạn tác động của khí hậu thay đổi đối với các loài động vật.
Bà Calas cũng cho biết tác động của con người gây ra đối với môi trường trước đây tương tự với những gì xảy ra ngày nay.
Lan Anh