Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/10
Miền Bắc sắp đón đợt lạnh đầu tiên của mùa đông năm nay; Hà Nội: Xuất hiện hiện tượng cá chết nổi trên mặt hồ Tây; Ủy hội Mê Kông Quốc tế phê chuẩn tài liệu về thiết kế các dự án thủy điện... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Miền Bắc sắp đón đợt lạnh đầu tiên của mùa đông năm nay
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng 9-10/10, một đợt không khí lạnh có thể tăng cường xuống nước. Đợt không khí lạnh này không chỉ gây mưa cho các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ mà còn khiến nền nhiệt giảm mạnh.
Dự báo từ đêm 9/10, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa – Hà Tĩnh trời chuyển lạnh.
Tại Lạng Sơn, nhiệt độ ngày 10/10 giảm xuống chỉ còn 18-21 độ, trời nhiều mây, có mưa dông. Khoảng 3-4 ngày sau đó, nhiệt độ thấp nhất tại Lạng Sơn duy trì khoảng 17-19 độ, cao nhất khoảng 23-25 độ.
Thủ đô Hà Nội ngày 10/10, nhiệt độ trong ngày chỉ dao động từ 21-25 độ, trời nhiều mây, có mưa dông. Vài ngày sau đó, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội duy trì 20-22 độ.
Hải Phòng ngày 10/10, nhiệt độ trong ngày dao động từ 19-24 độ, trời nhiều mây, có mưa dông. Vài ngày sau đó, nhiệt độ thấp nhất tại đây khoảng 18-20 độ.
Đợt không khí lạnh lần này cũng mở rộng ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ khiến trời chuyển lạnh. Nhiệt độ tại Nghệ An ngày 10/10 dao động 20-24 độ. Vài ngày sau đó, nhiệt độ thấp nhất khoảng 20-22 độ.
Bên cạnh việc làm giảm nhiệt mạnh, đợt không khí lạnh tăng cường này kết hợp với các điều kiện thời tiết khác gây mưa lớn cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Dự báo do tác động của một đợt không khí lạnh yếu tràn xuống ngày 7/10, sau đó tăng cường vào 9-10/10 nên trong khoảng thời gian từ 7-10/10, miền Bắc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ đêm 7-9/10, các tỉnh miền Trung có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, riêng Bắc Trung Bộ từ đêm 9 đến đêm 10/10 khả năng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Thời kỳ từ ngày 10-15/10, Trung Trung Bộ và phía Bắc của Nam Trung Bộ khả năng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ủy hội Mekong Quốc tế phê chuẩn tài liệu về thiết kế các dự án thủy điện
Vừa qua, Ủy hội Mekong Quốc tế (MRC) đã phê chuẩn tài liệu quan trọng những hướng dẫn cụ thể về cách thiết kế các dự án thủy điện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư dọc theo con sông lớn nhất Đông Nam Á này.
Ngoài Hướng dẫn thiết kế sơ bộ (PDG) sửa đổi này, Ủy ban Hỗn hợp Ủy hội Mekong Quốc tế cũng đã thông qua Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (TbEIA). Do sông Mekong chảy qua 4 nước thành viên Ủy hội Mekong Quốc tế – Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nên bản hướng dẫn này sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của một dự án đối với quốc gia láng giềng.
Hướng dẫn này cho phép các quốc gia thành viên và các nhà đầu tư có thể thực hiện Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ủy hội Mekong Quốc tế. Các nước cũng có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của một đập thủy điện hoặc bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng về nguồn nước như sự thay đổi thủy lợi hoặc công trình điều hướng ảnh hưởng đến các vấn đề như dòng chảy, lưu lượng phù sa, chất lượng nước và nghề cá, có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái sông và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở cấp độ xuyên quốc gia hoặc khu vực.
Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký ASEAN cho biết, đây là bước đột phá lịch sử cho sự hợp tác của Ủy hội Mekong Quốc tế sau nhiều năm thảo luận. Hai bản hướng dẫn đã chỉ ra chính xác những điều cần làm để giảm thiểu các tác động môi trường xuyên biên giới. Các thành viên sẽ thấy được bản hướng dẫn có lợi như thế nào, không chỉ với đất nước của họ, cộng đồng dân cư địa phương mà còn trong hợp tác với các quốc gia láng giềng.
Hướng dẫn thiết kế sơ bộ năm 2022 này là kết quả của bốn năm thảo luận, kết hợp với các bài học kinh nghiệm của Ủy hội Mekong Quốc tế trong một thập kỷ qua, cũng như các phương pháp quốc tế tốt nhất về cách tạo ra sự cân bằng phù hợp. Hướng dẫn thiết kế sơ bộ là một trong những hướng dẫn của Ủy hội Mekong Quốc tế được các nhà phát triển dự án thủy điện ở các nước biết đến nhiều nhất và được sử dụng thường xuyên.
Hà Nội: Xuất hiện hiện tượng cá chết nổi trên mặt hồ Tây
Chiều 5/10, phía Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội xác nhận, có hiện tượng cá chết nổi trên mặt hồ Tây. Mỗi ngày, đơn vị thu gom từ 50-70kg cá chết, chủ yếu là cá trôi, cá mè.
Nhiều ngày gần đây, xuất hiện hiện tượng cá chết nổi trên mặt hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội, trôi dạt vào bờ phía đoạn đường Nguyễn Đình Thi, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường khu vực.
Chiều 5/10, phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội xác nhận, có hiện tượng cá chết nổi trên mặt hồ Tây. Mỗi ngày, đơn vị thu gom từ 50-70kg cá chết, chủ yếu là cá trôi, cá mè.
Phía Công ty cho biết thêm hiện tượng cá chết được ghi nhận từ khoảng đầu tháng 10/2022 và được xác định là hiện tượng bình thường khi thời tiết thay đổi từ mưa sang nắng. Bước đầu, Công ty chưa phát hiện việc đầu độc hay ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá bị chết. Nguyên nhân cá chết tại hồ Tây được nhận định có thể là do người dân thả phóng sinh nên chưa thích nghi được với môi trường sống mới.
Về giải pháp trước mắt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đang chỉ đạo Xí nghiệp Thoát nước số 1 tổ chức thu vớt cá chết để xử lý theo quy định; tổ chức điều tiết nước tại hồ hợp lý. Mặt khác, chỉ đạo Xí nghiệp Thoát nước 1 tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý hồ Tây thuộc Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, giữ vệ sinh môi trường tại các tuyến đường quanh hồ, thu vớt rác trên mặt hồ.
Hồ Tây có nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, có diện tích khoảng 500ha mặt nước. Tại đây, vào năm 2016 cũng có hiện tượng cá chết nổi với số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường.
Ngay thời điểm đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có các giải pháp bơm thêm ôxy vào nước hồ; mời các chuyên gia phân tích về chất lượng nước hồ Tây....
Bộ TN&MT đề xuất tạm dừng thẩm định khảo sát điện gió ngoài khơi
Bộ TN&MT vừa có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi và đề xuất tháo gỡ. Trong đó, Bộ đề nghị tạm dừng thẩm định, chấp thuận liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thời gian qua, Bộ đã nhận được được các đề xuất đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển (đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi) để tổ chức thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển để tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Cụ thể, tính đến 31/8/2022, Bộ TN&MT đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi. Trong đó, có 1 đề xuất đo gió đã được Bộ chấp thuận (do nhà đầu tư trong nước đề xuất, diện tích 36m2 để lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre).
Tổng công suất đề xuất là trên 100 GW; đề xuất có công suất nhỏ nhất là 0,5 GW; đề xuất có công suất lớn nhất là 6,0 GW; Tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000 km; một số đề xuất có diện tích khảo sát lên tới trên 3.000 km.
Trên cơ sở ý kiến của các một số cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học và một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điện gió cho thấy còn nhiều vướng mắc về pháp lý và về kỹ thuật.
Trong đó, một số ý kiến cho rằng, đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ TN&MT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đó, đối với các vướng mắc về pháp lý thông qua việc bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, trong thời gian xử lý, tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ đề nghị Chính phủ xem xét tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình đánh giá tác động môi trường trên biển.
Ô nhiễm không khí có thể cản trở phục hồi sức khỏe do Covid-19 gây ra
Các nhà khoa học tại Trường đại học y Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ) đã phân tích hồ sơ y tế của các bệnh nhân trong Hệ thống y tế Kaiser Permanente Nam California (Mỹ), bao gồm hơn 50.000 bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có chẩn đoán mắc Covid-19 vào tháng 7 và tháng 8 năm 2021, thời điểm biến thể Delta đang lan rộng. Trong số đối tượng nghiên cứu có khoảng 34% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu chất lượng không khí tại các khu phố, qua đó đánh giá mức độ phơi nhiễm của bệnh nhân với các tác nhân ô nhiễm trong không khí, như bụi mịn PM2.5, nitơ đi-ôxít (NO2) và ô-zôn (O3) vào thời điểm 1 tháng trước khi có chẩn đoán mắc Covid-19 và 1 năm trước đó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vaccine phòng Covid-19 đã tạo ra sự khác biệt trong việc giúp giảm nguy cơ nhập viện, tuy nhiên ngay cả những người đã được tiêm chủng, việc phơi nhiễm với 2 trong số các tác nhân ô nhiễm trên (PM2.5 và NO2) đã làm tăng nguy cơ nhập viện lên đến 30%.
Trong gần 31.000 người tham gia nghiên cứu chưa được tiêm chủng, phơi nhiễm với PM2.5 nồng độ cao trong thời gian ngắn làm tăng 13% nguy cơ nhập viện do Covid-19, trong khi phơi nhiễm lâu dài làm tăng 24% nguy cơ nhập viện.
Đối với NO2, nguy cơ nhập viện tăng khi phơi nhiễm trong thời gian ngắn và lâu dài tương ứng là 14% và 22%. Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa nồng độ O3 và nguy cơ nhập viện do Covid-19.
Lan Anh