Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ năm, 08/12/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/12

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc có thể đón rét đậm dồn dập vào cuối tháng 12; Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên; Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường hành động để bảo vệ thiên nhiên... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Bắc có thể đón rét đậm dồn dập vào cuối tháng 12

Dự báo cuối tháng 12 và tháng 1/2023, miền Bắc có thể đón nhiều đợt rét đậm do không khí lạnh gia tăng tần suất và cường độ hoạt động xuống nước ta.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc đang bước vào giai đoạn chính Đông gồm các tháng 12 và các tháng 1-2/2023.

Giai đoạn này, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất, các tỉnh miền Bắc có nhiều ngày nền nhiệt độ ở ngưỡng trời rét, trong đó rét đậm có khả năng tập trung trong thời đoạn ngắn vào thời kỳ nửa cuối tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/12 - Ảnh 1
Dự báo cuối tháng 12 và tháng 1/2023, miền Bắc có thể đón nhiều đợt rét đậm do không khí lạnh gia tăng tần suất và cường độ hoạt động xuống nước ta.

Hiện nay, miền Bắc đang trong một đợt rét nhiều ngày. Dự báo những ngày tới, không khí lạnh liên tục bổ sung xuống miền Bắc khiến tiếp tục duy trì nền nhiệt thấp với nhiệt độ thấp nhất vùng núi phổ biến từ 11-14 độ, vùng đồng bằng 15-17 độ, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 20-22 độ.

Tại Miền Trung, đợt mưa lớn nhiều ngày qua chưa có dấu hiệu kết thúc. Đêm qua và sáng nay (8/12), khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Lượng mưa tính từ 19h ngày 7/12 đến 8h ngày 8/12 có nơi trên 80mm như Hải An (Quảng Trị) 116.0mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 81.0mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) 114.0mm, Tam Lãnh (Quảng Nam) 89.8mm, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) 87.4mm, Hoài Đức (Bình Định) 147.3mm, Đức Bình Đông (Phú Yên) 120.2mm, Ea MDoal (Đắk Lắk) 128.6mm.

Dự báo trong ngày nay đến 9/12, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 120mm.

Cũng trong ngày và đêm 8/12, khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Từ nay (8/12) đến ngày 9/12, trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông dao động ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên

Ngày 8/12, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng) dài 700 m thuộc ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ).

Việc công bố tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai. Giám đốc Sở NN - PTNT (Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Vĩnh Long) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Long Hồ triển khai các giải pháp phi công trình và công trình nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khu vực sạt lở, địa phương không cấp phép khai thác mỏ cát cho bất kỳ đơn vị nào. Cách khu vực sạt lở tính từ điểm cuối của điểm sạt lở đến điểm đầu của mỏ cát gần 300 m, DNTN Huỳnh Phát được cấp phép khai thác mỏ cát đến ngày 31/12/2022.

Do có vấn đề sạt lở bờ sông vừa xảy ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định tạm dừng khai thác cát đối đơn vị được cấp phép kể từ ngày 7/12.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay chưa thể đánh giá vụ sạt lở nói trên, bởi trường hợp sạt lở rất đặc biệt, khác những trường hợp khác nên phải chờ đánh giá từ đơn vị khoa học để có giải pháp tiếp theo. Thường sạt lở bắt đầu từ ngoài vào trong, tuy nhiên qua khảo sát thực tế thì trường hợp này là sụp từ trong, nguyên hàng cây bần và bãi bồi bên ngoài vẫn còn.

Ông Văn Hữu Huệ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long nhận định đây là vụ sạt lở rất kỳ lạ, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hiện tại khu đất đang còn dấu hiệu sạt lở tiếp nên sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất tìm nguyên nhân.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Vĩnh Long ngày 8/12, vụ sạt sở xảy ra vào chiều 5/12, trên tuyến sông Cổ Chiên. Phạm vi sạt lở có chiều dài 350 m, rộng khoảng 160 m.

Tổng diện tích sạt lở khoảng 41.516 m2, trong đó phần đất bãi bồi khoảng 2.600 m2. Tổng cộng 22 hộ dân bị ảnh hưởng, 13 căn nhà trôi sông, 1 nhà kho, 1 xe cuốc, 2 ao nuôi cá chốt bị chìm. Ước tính, thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

Bình Định: Sạt lở bờ biển, sơ tán khẩn 20 hộ dân

Chiều 8/12, một lãnh đạo UBND xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, cho biết mưa lớn kèm theo sóng biển giật mạnh bất ngờ tàn phá nặng nề bờ biển gần khu vực dân cư thuộc thôn 9, xã Mỹ Thắng, uy hiếp hàng chục nhà dân.

Theo người dân, do sóng mạnh đã làm sạt bờ biển ở thôn 9 gần 100 m, tình trạng sạt lở vào đất liền từ 3-4 m. Có vị trí sạt lở gần sát nhà dân.

Theo lãnh đạo xã Mỹ Thắng, sóng lớn kèm theo triều cường tiếp tục làm sạt lở, có khoảng 20 hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lở.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/12 - Ảnh 2
Mưa lớn kèm theo sóng biển giật mạnh bất ngờ tàn phá nặng nề bờ biển gần khu vực dân cư thuộc thôn 9, xã Mỹ Thắng, uy hiếp hàng chục nhà dân.

Ngay trong đêm qua, chính quyền đã huy động lực lượng tổ chức sơ tán các hộ dân này ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng chức năng được huy động để giăng dây bảo vệ, chốt trực ứng phó với các tình huống sạt lở nguy hiểm.

Cũng theo lãnh đạo xã Mỹ Thắng, đây là lần đầu tiên bờ biển này xảy ra tình trạng sạt lở ở khu vực này. Trước mắt chính quyền cử người chốt trực, di dời người dân đến nơi an toàn. Về lâu dài cần kinh phí để đầu tư bờ kè.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa rất to, như huyện Phù Cát mưa trên 210mm. Trong 6 giờ tới, mưa đang tiếp diễn nhiều khu vực miền núi, ven biển nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc…

Cần làm rõ tình trạng xả khói bụi mù mịt của Công ty CP luyện kim đen Thái Nguyên

Người dân tại xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có những phản ánh về tình trạng nhà máy luyện gang, thép của Công ty CP luyện kim đen Thái Nguyên nằm trên địa bàn xả thải khói bụi, mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến cuộc sống của các hộ dân sống ở gần khu vực nhà máy.

Trước những phản ánh của người dân, UBND huyện Đồng Hỷ đã ban hành Công văn số 490/STNMT-BVMT ngày 7/4/2022 về việc giải quyết phản ánh của công dân tại xã Nam Hòa giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Nam Hòa và tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra thực tế, xác minh, giải quyết.

Việc phản ánh bụi, mùi phát sinh từ hoạt động sản xuất của Nhà máy luyện Gang thép ra khu vực xung quanh vào sân và nhà của hộ dân theo phản ánh của người dân là có cơ sở. Nguồn chính là bụi trên tuyến đường vận chuyển và thỉnh thoảng có sự cố sập liệu của nhà máy, việc thỉnh thoảng có mùi khét (như công dân phản ánh là mùi thối) là do khói than của nhà máy trong quá trình luyện gang thép.

Sự việc trên đã được Công ty CP luyện kim đen Thái Nguyên thực hiện các giải pháp như: Trên tuyến đường vận chuyển Công ty đã sử dụng máy chuyên dụng để quét, hút bụi đường, tần suất 02 lần/ngày, đồng thời phun nước tưới đường thường xuyên khi thấy đường có bụi khoảng 3 – 10 lần/ngày phụ thuộc vào thời tiết.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/12 - Ảnh 3
Công ty CP luyện kim đen Thái Nguyên xả thải khói bụi, mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến cuộc sống của các hộ dân sống ở gần khu vực nhà máy.

Việc hạn chế sự cố sập liệu gây ra bụi, công ty đã cải tiến kỹ thuật trong việc nạp liệu, do vậy từ đầu năm 2022 đến nay cũng chưa xảy lần nào. Đối với mùi khói than, Công ty đã lắp đặt hệ thống thu hồi khí than để đốt cho lò gió nóng phục vụ sản xuất.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe ý kiến phát biểu của các bên liên quan, phòng Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên: tăng cường thực hiện việc hút bụi đường, tưới nước giảm bụi trên tuyến đường vận chuyển để hạn chế tối đa việc bụi phát tán gây ảnh hưởng đến các hộ gần khu vực nhà máy. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có xảy ra việc phát tán khí, bụi gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của hộ dân, Công ty phải chủ động phối hợp với các hộ dân để giải quyết kịp thời.

Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường hành động để bảo vệ thiên nhiên

Ngày 7/12, tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra tại Montreal (Canada), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres kêu gọi các chính phủ và khu vực tư nhân hành động để bảo vệ môi trường tự nhiên một cách hiệu quả.

Ông Guterres cho biết, các hoạt động của con người đang gây thiệt hại cho các khu rừng, rừng rậm, đất nông nghiệp, đại dương, sông, biển và hồ. Cuộc chiến của loài người với tự nhiên chính là cuộc chiến với chính chúng ta.

Ngoài ra, một triệu loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Do đó, chúng ta cần các chính phủ xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia đầy tham vọng nhằm bảo vệ và gìn giữ những món quà thiên nhiên. Chúng ta cần các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt vấn đề bảo vệ lên hàng đầu trong kế hoạch kinh doanh của họ, đồng thời đầu tư vào các phương pháp khai thác và sản xuất bền vững trong mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng của họ.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/12 - Ảnh 4
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres kêu gọi các chính phủ và khu vực tư nhân hành động để bảo vệ môi trường tự nhiên một cách hiệu quả.

Ông nhận định, hành động khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học là hai mặt của cùng một vấn đề. Ông kêu gọi các khuôn khổ pháp lý cứng rắn và các biện pháp công khai, minh bạch nhằm chấm dứt tình trạng cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu và buộc khu vực tư nhân phải chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, các nước đang phát triển cũng phải được tiếp cận trực tiếp hơn, đơn giản hơn và nhanh hơn với nguồn tài chính rất cần thiết. Ông Guterres cho rằng các quốc gia phát triển cần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia ở Nam bán cầu với tư cách là những người giám sát tài nguyên thiên nhiên của thế giới sau nhiều thế kỷ bị khai thác và mất mát.

Ông Guterres cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sát cánh với người dân bản địa, cộng đồng địa phương và thanh niên - “những người bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả nhất” theo cách gọi của ông.

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ đã gặp một số người bảo vệ đa dạng sinh học và lắng nghe những lo ngại của họ về tình hình mất đa dạng sinh học, cũng như các vấn đề liên quan, đặc biệt là nhân quyền. Theo ông, những chia sẻ của họ rất phù hợp với nguyên tắc rằng nhân quyền phải là trung tâm của mọi việc chúng ta làm liên quan đến môi trường và cũng là vấn đề trọng tâm của Hội nghị COP15.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới