Long An: Phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, tỉnh Long An ban hành nhiều chính sách, đề án, chương trình nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, cây, con giống và quy trình sản xuất,…
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đang từng bước phục hồi, phát triển nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn đối với ngành Nông nghiệp và nông dân như giá vật tư nông nghiệp tăng cao, dịch hại diễn biến phức tạp, thời tiết thất thường, đầu ra nông sản không ổn định,...
Ông Phạm Văn Điền (nông dân xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: “Hiện tôi canh tác gần 2ha thanh long nhưng phải bỏ gần một nửa vườn do hết vốn chăm sóc. Không chỉ tôi mà nhiều nông dân địa phương đều muốn duy trì hoặc trồng lại thanh long. Tuy nhiên, ai cũng khó khăn về vốn, hy vọng các ngành chức năng và chính quyền địa phương sớm có chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn tái sản xuất; đồng thời, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thanh long để nông dân yên tâm sản xuất”.
Để sớm tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long, UBND huyện Châu Thành huy động nguồn vốn ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khoảng 30 tỉ đồng, nhằm giúp nông dân sớm tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất thanh long.
Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng để hội viên , nông dân phát triển kinh tế, đầu năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam huyện Cần Giuộc giao cho từng cơ sở Hội khảo sát, thống kê về nhu cầu vay vốn nhằm kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng năm, Hội Nông dân Việt Nam huyện Cần Giuộc giúp hàng chục hộ nông dân thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Qua các chu kỳ vay vốn, những hộ vay vốn sản xuất đều phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay, trả phí và tiền gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định.
Đơn cử như gia đình chị Thái Thị Thu Hồng (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) là 1 trong 10 hộ ở xã Long Thượng được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi được Hội Nông dân Việt Nam huyện cho vay 25 triệu đồng để trồng 0,2ha rau húng lủi. Nhờ nguồn vốn này, hiện nay, gia đình tôi phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định từ 400.000-500.000 đồng/ngày”.
Được biết, chị Hồng đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn rau của mình và dự định chuyển đổi 0,2ha đất trồng cải ngọt sang trồng rau húng lủi để bảo đảm nguồn rau cung ứng cho khách hàng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Cần Giuộc - Bạch Ngọc Bay cho biết: “Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hộ vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, để nông dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ngoài tăng cường phối hợp hỗ trợ nông dân về vốn, Hội vận động nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Về vấn đề này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Truyền, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, bảo đảm năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường; phấn đấu hình thành nền nông nghiệp tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp thông minh vào sản xuất, bằng việc hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP);...
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường các biện pháp BVMT nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, góp phần bảo đảm thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin.
Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật (BVTV) và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An vừa qua đã phối hợp cùng các địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng; trong tháng 10 và 11/2022, mở lớp tập huấn trang bị kiến thức về BVMT; tổ chức lễ phát động thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Sau khi kết thúc đợt phát động, địa phương thông báo ngày tập kết vỏ chai, bao bì thuốc BVTV tại các địa điểm quy định để xe tải đến nhận và vận chuyển về nhà máy xử lý, tiêu hủy. Đến nay, các địa phương hoàn thành việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân, giúp phong trào này tiếp tục lan tỏa.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Võ Thị Quế Lâm: “Nhiều nông dân lạm dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, chưa ý thức được việc BVMT, còn vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng trên đồng ruộng. Vì vậy, giảm thiểu tác hại từ rác thải thuốc BVTV đang là vấn đề cấp thiết. Vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, phân bón “tiện đâu vứt đó” sẽ rất lâu mới có thể phân hủy, có khi cả trăm năm sau, gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, lượng thuốc BVTV còn sót lại sẽ phát tán ra môi trường, ngấm vào nguồn nước. Sau thời gian đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nông dân dần ý thức được tác hại của việc vứt bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không đúng nơi quy định nên tích cực thu gom, đưa đến nơi tập kết để xử lý”.
Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Thạnh - Trần Thanh Hiền chia sẻ: “Sản xuất gắn với BVMT là khẩu hiệu, phương châm hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Nếu trước đây, chỉ một số nông dân đồng tình hưởng ứng phong trào thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng thì nay đã lan tỏa đến từng hộ gia đình. Nhiều hộ còn chủ động trang bị thùng đựng bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng; còn các địa phương trích kinh phí hoặc vận động xã hội hóa xây dựng các hố bê tông, bố trí thùng chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng”.
Về phía người dân, ông Nguyễn Văn Bắn (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) vừa tích cực thu gom bao bì thuốc BVTV đến điểm tập kết, vừa vận động nông dân cùng tham gia. Ông Bắn nói: “Chúng ta chưa thấy tác hại trước mắt của ô nhiễm môi trường từ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng nhưng đời con cháu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, phải hành động ngay bây giờ để BVMT sống, bảo vệ sức khỏe thế hệ mai sau. Việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng là hành động nhỏ, dễ thực hiện mà ai cũng có thể làm được".
Gia đình ông Bùi Văn Hoài (ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) trồng hơn 1ha na Thái. Trung bình khoảng 1 tuần, ông Hoài phun thuốc 1 lần nên bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng rất nhiều. Nhận biết được bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nếu không biết cách xử lý, ông chủ động xây một khu chứa bao bì thuốc BVTV, cách nhà khoảng 500m, đợi đến ngày xã thông báo sẽ đem đến điểm tập kết để xử lý. Ông Hoài cho biết: “Bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom, xử lý nên đồng ruộng sạch sẽ hơn”.
Ngoài BVMT trong sản xuất nông nghiệp bằng việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, ngành Nông nghiệp còn tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”,...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An - Huỳnh Kim Toán nhận định: “Trong trồng trọt, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng không thể thiếu. Thực trạng mức độ thâm canh cây trồng ngày càng cao nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng dẫn đến lượng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ngày càng nhiều, kèm theo đó là tình trạng vứt bỏ tùy tiện trên bờ ruộng hoặc xuống mương.
Theo các nhà chuyên môn, vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng còn sót lại khoảng 2% lượng thuốc BVTV, nếu xử lý không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường và các loài sinh vật có ích. Do đó, việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, bởi đây không là trách nhiệm của riêng ai”.
Sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT không chỉ góp phần tạo ra nông sản sạch, nâng tầm sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới.
Thanh Vũ