Chủ nhật, 24/11/2024 09:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/08/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 12/8

Theo dõi KTMT trên

Bão số 2 làm 11 người chết và mất tích; Khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thủy sản chết hàng loạt, người dân Phú Yên thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 12/8.

Bão số 2 làm 11 người chết và mất tích

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, hoàn lưu bão Mulan khiến miền Bắc mưa lớn, nước sông suối dâng cao làm 3 người chết, 8 người mất tích ở Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ và Nam Định.

Cụ thể, Nam Định có 4 người mất tích ngày 11/8 (1 người lớn và 3 cháu nhỏ) do đi tắm không may bị lũ cuốn trôi. Lào Cai có 1 cháu bé trú tại tổ 16, phường Pom Hán, TP. Lào Cai bị cuốn trôi khi đi qua đập tràn, hiện chưa tìm thấy thi thể.

Hòa Bình có 3 người chết tại huyện Lạc Thủy và TP. Hòa Bình, 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi tại huyện Lạc Thủy và huyện Kim Bôi. Tại Phú Thọ, chiều 11/8, 1 người bị lũ cuốn khi đi qua tràn (đang xác minh thông tin) tại huyện Thanh Sơn.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 12/8 - Ảnh 1
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trước thiệt hại nêu trên, ngày 12/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai có văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Theo đó, trong những ngày vừa qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, trong đó, nguyên nhân chủ yếu do bất cẩn như bị lũ cuốn trôi khi đi qua suối, ngầm tràn nước chảy xiết, trẻ em bị đuối nước. Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mưa lớn còn tiếp tục tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại đáng tiếc về người, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua.

Tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tăng cường thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ bằng các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban.

Khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Sáng 12/8, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Hội thảo nhằm tham vấn các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm đề xuất được các giải pháp về cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của nước ta. Đây là nội dung thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH” do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng dẫn đến phát sinh lớn lượng (CTRSH) ở Việt Nam. Trước thực trạng đó, các biện pháp giải quyết vấn đề xử lý CTRSH luôn là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu được Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm tránh tác động xấu đến môi trường.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường năng lực thu gom vận chuyển và giảm thiểu tác động của CTRSH như các giải pháp về công nghệ, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, ưu đãi về thuế/phí,... Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực vẫn còn khá nhiều hạn chế. Trong đó, việc phân loại rác tại nguồn mới mang tính thử nghiệm, chưa được nhân rộng. Sự tham gia của các thành phần doanh nghiệp và cộng đồng cư dân với hạt nhân là hộ gia đình chưa đủ mạnh và phát huy hết năng lực, tiềm năng vốn có.

Chế tạo thành công thiết bị bay không người lái phục vụ thu thập dữ liệu TN&MT

Các nhà khoa học của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã chế tạo thành công thiết bị máy bay không người lái và ứng dụng rộng rãi trong công tác thu thập dữ liệu TN&MT trong thời gian qua.

Thạc sĩ Lưu Hải Âu - Giám đốc Trung tâm Tin học Trắc địa và Bản đồ, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, các thiết bị máy bay không người lái (UAV) được nghiên cứu tận dụng từ thân vỏ của thiết bị bay mô hình, sau đó, tự phát triển phần mềm dựa trên nhu cầu thực tế của ngành Đo đạc và Bản đồ. Đây là kết quả của đề tài Nghiên cứu thiết chế tạo hệ thống UAV bầy đàn và xây dựng phần mềm điều khiển bay chụp ảnh, quét lidar phục vụ công tác tự động, tối đa hóa khả năng thu thập dữ liệu địa không gian, góp phần điều tra dữ liệu TN&MT.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 12/8 - Ảnh 2
Chế tạo thành công thiết bị máy bay không người lái và ứng dụng rộng rãi trong công tác thu thập dữ liệu TN&MT trong thời gian qua.

Theo đó, hiện nay, việc sử dụng thiết bị UAV và xuồng không người lái (USV) chuyên dụng để bay chụp và đo đạc thành lập bản đồ trên cạn và dưới nước được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. Tính ưu việt của các giải pháp này là cơ động, kinh tế, an toàn lao động, phù hợp với các khu đo có diện tích nhỏ và trung bình nếu đo trên diện tích nhỏ. Nhưng trên diện tích lớn, đòi hỏi thời gian nộp sản phẩm nhanh thì quy trình sử dụng thiết bị không người lái chưa được tối ưu.

Hiện nay, ngành Đo đạc bản đồ dân sự Việt Nam chưa từng nhập hệ thống UAV chuyên dụng bay theo bầy đàn để thực hiện các nhiệm vụ đo bản đồ, vì kinh phí rất lớn và cũng chưa có hãng nào bán. Vì vậy, thiết bị UAV bay kiểu riêng lẻ (có khả năng bay kết hợp kiểu bày đàn) được nhóm chế tạo thành công có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị UAV bay kiểu riêng lẻ nhập ngoại. Sản phẩm góp phần giải quyết bài toán thi công đo đạc bản đồ và điều tra dữ liệu tài nguyên và môi trường cho các khu vực, trong đó đặc biệt là các vùng khó khăn: Biên giới, hải đảo, vùng biển, sông suối giáp ranh, chồng lấn và vùng có địa hình chia cắt con người không tiếp cận được.

Quảng Trị: Xử lý triệt để các bãi tập kết cát, sỏi trái phép dọc sông Thạch Hãn

Ngày 11/8, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, liên quan đến tình trạng hàng loạt bãi tập kết cát trái phép hoạt động tại xã Triệu Thành, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh vừa chủ trì phiên làm việc với các ngành, địa phương.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Thành đã báo cáo về tình hình quản lý các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn xã Triệu Thành.

Trong đó, có 10 bãi tập kết cát, sỏi trái phép ở thôn Cổ Thành (xã Triệu Thành) chưa được cấp phép nhưng hoạt động công khai trong nhiều năm khiến người dân bức xúc, chính quyền đã tuyên truyền, vận động các hộ dân dừng hoạt động các bãi tập kết này, nhưng không chấp hành…

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, xử lý triệt để các bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn xã Triệu Thành trước ngày 20/8, tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải chuyên chở cát, sỏi trái phép, tiến hành lập biên bản, xử lý các phương tiện vi phạm về an toàn giao thông và vận chuyển cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Ngoài ra, giao UBND xã Triệu Thành và Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát các hộ kinh doanh, đề xuất phương án di dời, bố trí địa điểm kinh doanh cát, sỏi của các hộ dân đảm bảo theo quy hoạch.

Trước đó, người dân phản ánh việc 10 bãi tập kết cát trái phép nằm ở ngay mép sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Cổ Thành công khai hoạt động nhiều năm nay. Các bãi tập kết cát này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có hồ sơ bảo vệ môi trường, không được cấp phép bến thủy nội địa và có nhiều khả năng là nơi tiêu thụ cát khai thác trái phép.

Ngoài ra, có bãi tập kết cát còn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Dù người dân, UBND xã Triệu Thành đã nhiều lần kiến nghị nhưng các bãi tập kết cát trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân.

Thủy sản chết hàng loạt, người dân Phú Yên thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (Mulan), hàng loạt con tôm hùm và cá nuôi tại thị xã Sông Cầu chết vì thiếu oxy và ngạt khí độc. Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 2,5 tỷ đồng.

Ngày 11/8, sau khi nhận được thông tin tôm hùm và cá tại thị xã Sông Cầu chết hàng loạt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Sông Cầu tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương.

Theo thông tin ban đầu, tình trạng tôm hùm và cá nuôi chết xảy ra đột ngột từ ngày 10/8, thuộc vùng nuôi khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu. Số lượng ước tính có khoảng 29.240 con tôm hùm các loại/200 lồng nuôi và 1.220 con cá các loại/185 lồng nuôi (chủ yếu là cá mú và cá chẽm) bị chết với nhiều kích cỡ khác nhau. Thiệt hại ước tính ban đầu gần 2,5 tỷ đồng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 12/8 - Ảnh 3
Ảnh hưởng của cơn bão số 2 (Mulan), hàng loạt con tôm hùm và cá nuôi tại thị xã Sông Cầu chết vì thiếu oxy và ngạt khí độc.

Tôm, cá bị chết với các loại kích cỡ khác nhau. Theo thông tin kiểm tra, ngay sau khi phát hiện tôm, cá bị chết, người nuôi trong khu vực đã tiến hành biện pháp nâng lồng lên tầng nước trên. Hiện nay, tình hình tôm, cá nuôi trong khu vực này đã ổn định, không còn xảy ra tình trạng chết bất thường.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, diễn biến tình hình tôm, cá chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột; tôm, cá chết không có các dấu hiệu bệnh lý.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 12/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới