Chủ nhật, 24/11/2024 04:41 (GMT+7)
Thứ ba, 16/07/2024 08:50 (GMT+7)

Cát Bà: Cách nào hướng tới “điểm đến 4 mùa”?

Theo dõi KTMT trên

Là điểm đến yêu thích của du khách, Cát Bà có rất nhiều hoạt động thú vị vào các thời điểm khác trong năm mà chưa nhiều người biết đến. Mấu chốt là làm sao đánh thức và khai thác hết tiềm năng để đưa Cát Bà thành điểm đến 4 mùa.

Cát Bà: Cách nào hướng tới “điểm đến 4 mùa”? - Ảnh 1

Nghịch lý đông - hè

Điểm sáng của du lịch Cát Bà 6 tháng đầu năm chính là việc lượng khách quốc tế đến đảo đạt trên 572.000 lượt (gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2023). Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt gần 1.500 tỷ đồng (gấp trên 1,5 lần so với cùng kỳ). Điều đó cho thấy du lịch Cát Bà đang dần thay đổi cả chất và lượng, hút dòng khách cao cấp, khách nước ngoài với chi tiêu cao hơn.

Tuy nhiên trong thực tế, cán cân du lịch Cát Bà đang quá nghiêng về mùa hè. Theo số liệu thống kê, tháng 6/2024, Cát Bà đã đón hơn 600.000 lượt du khách. Dự báo số lượng khách sẽ tiếp tục tăng cao trong 2 tháng hè còn lại (tháng 7 - 8) nhờ hiệu ứng của danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà cũng như tình trạng ùn tắc giao thông ra đảo được giải quyết, giá vé cáp treo giảm 50% và các phà mới được đưa vào vận hành, khai thác… So với mục tiêu cả năm đón 3,6 triệu lượt, có thể thấy lượng khách đến Cát Bà vẫn chủ yếu dồn vào hè.

Cát Bà: Cách nào hướng tới “điểm đến 4 mùa”? - Ảnh 2

Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên tại Việt Nam

Trong khi đó, Cát Bà có rất nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để trở thành điểm đến 4 mùa với đa dạng trải nghiệm cho du khách. Du khách đến Cát Bà không chỉ tắm biển mùa hè mà còn có thể trải nghiệm trekking vườn quốc gia, ngắm cảnh trên cung đường uốn lượn ven biển, thưởng thức hải sản tươi ngon, tham quan hang động, các đảo lớn nhỏ và nghỉ dưỡng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Với thế mạnh sở hữu vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cùng Top vịnh biển đẹp nhất thế giới do Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới bầu chọn, Cát Bà hoàn toàn có thể trở thành điểm đến sinh thái mang tầm quốc tế, thông qua việc nghiên cứu phát triển mô hình du lịch xanh, không phát thải, thân thiện môi trường, kết hợp khai thác với bảo tồn để hướng đến dòng khách hạng sang có thu nhập cao.

Hiện nay, nếu so sánh với các "đối thủ sừng sỏ" trong nước như "người hàng xóm" Hạ Long hay xa hơn là Phú Quốc, Nha Trang…, Cát Bà vẫn còn khoảng trống khá lớn về hệ thống cơ sở lưu trú và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng 5 sao hay các tổ hợp vui chơi, giải trí đẳng cấp đáp ứng nhu cầu du khách vào mọi thời điểm trong năm. Để làm được điều này, Cát Bà cần một cách làm bài bản, thu hút các doanh nghiệp có tư duy phát triển bền vững để vừa giải được bài toán thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của đảo, vừa giữ gìn được cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn hệ sinh thái vườn quốc gia Cát Bà.

Lấp khoảng trống sản phẩm du lịch

Theo quy hoạch TP Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cát Bà được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch "xanh" đẳng cấp, xứng với những tiềm năng được thiên nhiên ban tặng. Trong đó xác định mục tiêu xây dựng, phát triển quần thể du lịch Cát Bà – Đồ Sơn kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế.

Với kinh nghiệm nhiều năm đưa khách quốc tế ra Cát Bà, bà Nguyễn Lan, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty du lịch tại Hải Phòng cho biết, để đưa Cát Bà thành trung tâm du lịch quốc tế thì việc cấp thiết trước mắt là phải "thông thoáng" đường đi cho du khách. Tiếp đó là phải có nhiều sản phẩm du lịch đột phá, có chất lượng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao với các loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch thể thao, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch thương mại kết hợp với quảng bá sản phẩm của địa phương…

Cát Bà: Cách nào hướng tới “điểm đến 4 mùa”? - Ảnh 3

Cát Bà phát triển hệ thống giao thông thân thiện với môi trường

Hiện nay việc di chuyển của du khách từ đất liền ra đảo đã thuận lợi hơn rất nhiều kể từ khi tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long đi vào hoạt động. Du khách không còn phải chờ phà cả tiếng đồng hồ, thay vào đó là ngắm vịnh biển từ cabin cáp treo vô cùng thuận tiện và nhanh chóng. Trong tương lai, TP Hải Phòng đã định hướng dừng hoạt động và thay thế các loại phương tiện giao thông sử dụng xăng, diesel bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường, dần biến Cát Bà thành hòn đảo trong lành và thân thiện với du khách.

Mới đây nhất, cho ý kiến về việc xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030, thành phố chỉ đạo tập trung vào nhiệm vụ: "Xây dựng các giải pháp cụ thể gắn du lịch xanh với bảo vệ môi trường. Đề xuất cơ chế khuyến khích, động viên, phát huy các mô hình, cách làm, hành động vì môi trường; hạn chế phát thải; xây dựng lộ trình hạn chế xe xăng và ưu tiên xe điện"…

Để làm được điều này, Hải Phòng cần tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư uy tín, xứng tầm, nâng cấp hạ tầng, bổ sung trải nghiệm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, gắn với bảo tồn thiên nhiên. Đây sẽ là những "át chủ bài" thu hút du khách bởi chỉ có tại Cát Bà, du khách mới có thể được trải nghiệm. Nhìn ra thế giới, Nhật Bản, Trung Quốc là các quốc gia rất thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại các khu sinh thái như tại Tokyo, cố đô Kyoto hay các thành phố Kobe, Fukushima... thành phố sinh thái Thiên Tân hay khu sinh thái "Lạc Mãn Địa" ở Quế Lâm…

Tại châu Âu, hình mẫu các hòn đảo ẩn náu thanh bình – nơi cả du khách lẫn người dân đều phải di chuyển các phương tiện du lịch bền vững như xe đạp, xe điện hoặc đi bộ - ngày một nở rộ, hấp dẫn du khách bởi vừa đáp ứng hạ tầng tiện nghi và không khí trong lành.

Cát Bà: Cách nào hướng tới “điểm đến 4 mùa”? - Ảnh 4

Cát Bà đặt mục tiêu nâng cấp hạ tầng và hạn chế khí thải

Với những tiềm năng sẵn có, Cát Bà hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu du lịch sinh thái lý tưởng, bài bản đầu tiên tại Việt Nam. Đây sẽ là trải nghiệm mới dành cho du khách toàn cầu muốn được gắn bó với thiên nhiên và khám phá văn hóa bản địa.

Việc Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được coi là một "cú hích" rất lớn với ngành du lịch địa phương. Theo các chuyên gia, Cát Bà phải nắm bắt thời cơ ngay nếu muốn đưa du lịch vươn tầm đẳng cấp quốc tế, hướng tới mục tiêu đón 10,4 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,4 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2050. Còn nếu không, di sản thế giới sẽ chỉ là một cái tên.

PV

Bạn đang đọc bài viết Cát Bà: Cách nào hướng tới “điểm đến 4 mùa”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới