Cây xanh đổ ngã còn nguyên bọc bầu: Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư
Về tình trạng một số cây bị đổ còn nguyên bầu đất trong bọc, Phó Giám đốc Sở Xấy dựng Hà Nội cho rằng, có thể trong quá trình trồng cây tại một số vị trí chưa thực hiện đúng quy định. Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư.
"Chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng cây: Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư"
Chia sẻ tại Tọa đàm "Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội" do báo Dân trí tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 40.000 cây xanh, cành cây bị gãy, đổ do bão số 3. Trong đó, có khoảng 11.000 cây xanh là cây đô thị bị đổ, bật gốc.
Về công tác trồng cây trên địa bàn thành phố, theo ông Công, việc trồng cây xanh đã được UBND TP Hà Nội quy định tại Quyết định 34/2020/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó yêu cầu rất kỹ về kỹ thuật.
Về kích thước hố, kích thước bầu cây +0,4m, đào hố đến chiều sâu hơn kích thước chiều cao bầu cây tối thiểu 0,3m đối với mặt bằng trồng cây có đất tự nhiên phù hợp cho cây trồng. Sau khi cẩu cây trồng đưa vào hố, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây (đối với vỏ bầu không có khả năng tự phân hủy), cắt hết dây buộc, đặt bầu cây vào chính giữa hố đảm bảo cây trồng thẳng đứng.
Căn cứ nội dung báo chí nêu về việc hố trồng cây khá nông khoảng 30-50cm, ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc này là chưa phù hợp với quy định trồng cây của thành phố. Đối với tình trạng một số cây bị gãy, đổ để lộ còn nguyên bầu đất trong bọc, ông Công cho rằng, có thể trong quá trình trồng cây tại một số vị trí chưa thực hiện đúng quy định, chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng cây. Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư.
"Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến trên và sẽ đôn đốc, nhắc nhở, giám sát các chủ đầu tư để không xảy ra những trường hợp như phản ánh nữa. Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm theo quy định thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu trồng lại hoặc không tổ chức nghiệm thu. Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong quá trình tiếp nhận, nghiệm thu các hệ thống cây xanh trồng mới", ông Công nói.
Tổng quan nhà thầu và thực tiễn chất lượng từ các gói thầu trồng, chăm sóc cây xanh ở Hà Nội
Liên quan tới vấn đề cây xanh ngã, đổ tại Hà Nội trong đợt bão Yagi vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có bài viết "Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai". Trong đó, Tạp chí đã nêu ra vấn đề sau cơn bão Yagi vừa qua, có những cây xanh bật gốc lộ ra bầu đất được bọc bằng ni-lông hoặc bao tải buộc chặt dây, đây là những thành phần không thể tự tiêu, làm giảm sự phát triển của bộ rễ. Hơn thế, việc cây xanh bật gốc còn nguyên bọc bầu thể hiện trách nhiệm về sự giám sát, theo dõi, chăm sóc của đơn vị chức năng. Vì nếu là cây đã trồng lâu năm mà còn nguyên bọc bầu, cho thấy việc áp dụng kỹ thuật trồng cây chưa đúng, chưa đảm bảo cho bao bầu có thể tự tiêu. Còn đối với cây xanh mới trồng mà giữ nguyên bao bầu, rễ cây chưa phát triển, thì trước mỗi cơn bão đã được dự báo trước đó, đơn vị chức năng cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chống đỡ an toàn, tránh cây đổ bật gốc, thậm chí, nếu chưa thể chắc chắn an toàn, cơ quan chức năng cần cảnh báo bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền di dời các hoạt động xung quanh, treo biển cảnh báo... Tuy nhiên, điều này gần như chưa được thực hiện.
Ở góc độ quản lý nhà nước, việc các tổ chức, cá nhân đảm nhiệm công tác chuyên ngành chưa thực hiện nghiêm công tác chăm sóc, bảo vệ, kiểm tra đốn hạ cây, cành hư nhằm loại trừ những sự cố đáng tiếc… cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra các tai nạn đau lòng.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có số ít doanh nghiệp gần như thường xuyên tham gia và trúng thầu dày đặc các gói thầu về trồng, chăm sóc cây xanh cho Thủ đô. Có thể kể tới như Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, Công ty TNHH Cây xanh đô thị... Đây là những doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu trồng, chăm sóc cây xanh tại các vườn hoa, công viên, công trình trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Công ty TNHH Cây xanh đô thị đã từng trúng nhiều gói thầu cây xanh tại huyện Thanh Trì.
Dữ liệu cho thấy, từ thời điểm hoạt động đấu thầu được áp dụng hình thức qua mạng đấu thầu quốc gia, Công ty TNHH Cây xanh đô thị đã tham gia 42 gói thầu, trong đó trúng cả 42 gói, hầu hết các gói thầu doanh nghiệp này trúng đều do các phòng ban của UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, doanh nghiệp này trúng 32/32 gói thầu đã tham dự tại Ban QLDA ĐTXD huyện Thanh Trì. Tổng giá trị mà đơn vị này trúng thầu tại Ban QLDA ĐTXD huyện Thanh Trì là 787.787.307.848 VND. Dù trúng toàn bộ 32 gói thầu đã tham dự nhưng tỷ lệ tiết kiệm ở các gói mà doanh nghiệp này đã thực hiện với Ban QLDA ĐTXD huyện Thanh Trì là rất thấp, chỉ chưa đến 1%. Các gói thầu Công ty TNHH Cây xanh Đô thị trúng thầu diễn ra trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, trong năm 2023 doanh nghiệp này cũng trúng cả 5/5 gói thầu đã tham dự tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Thanh Trì, với tổng số tiền trúng thầu là 421.595.000 VND, tỷ lệ tiết kiệm cũng rất thấp khoảng 1%.
Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế triển khai tại các dự án mà Công ty TNHH Cây xanh Đô thị trúng thầu sẽ thấy có nhiều vấn đề cần bàn. Theo đó, ở dự án Xây dựng khu cây xanh công cộng thuộc xứ đồng Ao Gỗ, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Công ty TNHH Cây xanh Đô thị là đơn vị trúng thầu với giá 2.031.116.000 VND, theo Quyết định số 545/QĐ-BQLDAĐTXD, ngày 11/10/2023, thời gian thực hiện là 88 ngày. Dự án có thời gian bảo hành công trình là 12 tháng.
Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều hạng mục thi công có dấu hiệu chưa đúng với bản vẽ thiết kế được Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trường Sơn lập, Ban QLDA ĐTXD huyện Thanh Trì thẩm định. Cùng với đó, những hạng mục như vị trí thi công rãnh thoát nước có dấu hiệu kém chất lượng, không đảm bảo, khiến khu cây xanh công cộng thuộc xứ đồng Ao Gỗ bị ngập nước, gốc cây nước ngập sâu nhiều cm, khiến nhiều cây xanh được trồng theo thiết kế của dự án đầu tư đến nay đã chết. Đây là gói thầu do đơn vị Công ty TNHH Cây xanh Đô thị trúng thầu.
Đối với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, trong năm 2023 công ty này đã trúng gói thầu 02, 04. Cụ thể, gói thầu số 02 là Quản lý duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và các tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp.
Thực hiện gói thầu 04 - Quản lý duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 8 quận còn lại (trừ 4 quận nêu trên) và nút giao vành đai III với quốc lộ 5, tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Đại lộ Thăng Long…
Theo thống kê của thành phố Hà Nội, "siêu bão" số 3 quét qua đã khiến hơn 40.000 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Các quận trung tâm như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình cũng ghi nhận hàng nghìn cây xanh gãy, đổ.
Theo tìm hiểu, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP. Hà Nội với ngành nghề chính là chăm sóc và duy trì cảnh quan đô thị. Theo dữ liệu tài chính đã đăng tải từ cơ quan báo chí, cho thấy, quý 2 năm 2024, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội có lợi nhuận sau thuế chưa băng ½ so với cùng kỳ. Đây tiếp tục là chuỗi thời gian đi xuống của doanh nghiệp này sau các năm 2022, 2023…
Cụ thể, Công ty có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu tăng, nhưng giá vốn bán hàng phình to nên lợi nhuận gộp của Công ty giảm đáng kể so với quý 2/2023. Theo đó, giá vốn hàng bán chiếm tới 48,8 tỷ đồng, kỳ trước chỉ là 39,4 tỷ đồng. Chỉ số này cộng với doanh thu tài chính rất thấp, chỉ trên 700 triệu đồng nên lợi nhuận thuần, lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm sâu so với kỳ trước.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 677 triệu đồng, tương ứng giảm 56% so với cùng kỳ (con số cùng kỳ là 1,543 tỷ đồng).
Lũy kế lợi nhuận sau thuế từ đầu năm 2024 đến hết tháng 6 là 3,5 tỷ đồng, giảm 18% so với thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2023. So với mục tiêu cả năm 2024 là 13,4 tỷ đồng thì con số 6 tháng đạt được là rất khiêm tốn.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội có tổng nguồn vốn là 421,4 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn phải là 106,2 tỷ đồng. Trong 3 năm gần đây nhất, Công ty Cây xanh Hà Nội duy trì kết quả kinh doanh giật lùi. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của các năm 2023, 2022 và 2021 lần lượt là 15,5 tỷ đồng, 17,9 tỷ đồng và 18,4 tỷ đồng.
Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành, cây xanh ở các khu vực công cộng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, cụ thể là do chính quyền địa phương (thường là các sở ban ngành liên quan như Sở Xây dựng hoặc Công ty quản lý cây xanh) quản lý. Ngoài ra, cây ở trong khuôn viên cơ quan, gia đình thì thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức hoặc cá nhân đó.
Theo quy định pháp luật dân sự, nếu cây xanh đổ gây thiệt hại về tài sản hoặc tính mạng, trách nhiệm sẽ thuộc về chủ sở hữu hoặc người quản lý cây xanh. Cụ thể, Điều 584 và Điều 589 của Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định, nếu cây đổ gây thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại, trừ khi có chứng minh được rằng sự cố xảy ra do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai mà họ không thể ngăn chặn được.
Tuy nhiên, các sự kiện thiên tai như bão có thể được coi là sự kiện bất khả kháng và trong một số trường hợp, trách nhiệm bồi thường có thể được giảm hoặc miễn trừ nếu chủ sở hữu chứng minh họ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, chẳng hạn như cắt tỉa cây định kỳ trước mùa bão.
Để giảm thiểu trách nhiệm pháp lý, các đơn vị quản lý cây xanh cần tuân thủ các quy trình quản lý cây xanh đô thị chặt chẽ, bao gồm việc kiểm tra, cắt tỉa cây định kỳ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cây xanh trước các sự kiện thời tiết cực đoan như bão.
Các chính sách rõ ràng và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp hạn chế các sự cố pháp lý liên quan đến cây xanh đô thị và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Minh Thành