Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ tư, 12/02/2020 12:12 (GMT+7)

Chàng thanh niên đi tàu cá tiền tỉ thu gom rác gây quỹ giúp học sinh nghèo

Theo dõi KTMT trên

Dù cuộc sống bận rộn mưu sinh với nghề bám biển, thế nhưng chàng thanh niên Trần Văn Cường vẫn dành thời gian rảnh của mình khi ở trên tàu, thu gom rác nổi trên biển để bán lấy tiền gây quỹ cho học sinh nghèo.

Chàng thành niên đi tàu cá tiền tỉ vớt rác

Sinh ra và lớn lên cùng gia đình ở vùng biển, nên ngay từ lúc còn nhỏ, anh Trần Văn Cường 29 tuổi, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổ dân phố Tân Bình (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã gắn liền với hình ảnh những chiếc tàu cá. Cho đến nay anh đã theo gia đình bám biển được 16 năm.

Chàng thanh niên đi tàu cá tiền tỉ thu gom rác gây quỹ giúp học sinh nghèo - Ảnh 1
Chàng thanh niên Trần Văn Cường với dáng vóc nhỏ bé nhưng lại mang trong mình một tình yêu biển cả lớn lao.

Theo anh Cường kể lại, từ lúc còn nhỏ mỗi lần ra bờ biển thấy rác thải trôi dạt vào bờ, chất lên thành đống, trong anh đã đau đáu một suy nghĩ phải đóng góp công sức của mình để phần nào đó làm sạch biển. Bởi vậy, 3 năm trở lại đây, hình ảnh một con người nhỏ bé mỗi lần ra khơi trở về với một khoang thuyền chứa đầy rác thải nhựa đã không còn xa lạ gì với nhiều người dân thị trấn Thuận An.

Vào mùa đánh bắt, anh Cường cùng gia đình ra khơi bám biển đến các ngư trường lớn như Trường Sa, Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Mỗi chuyến từ 3 - 4 ngày, dài nhất là những chuyến ra Hoàng Sa kéo dài đến 15 ngày. Sau nhiều năm vươn khơi, tích góp được vốn liếng, gia đình anh đầu tư tàu cá lớn 1.018CV với số tiền trên 3 tỉ đồng để bám biển, an tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi.

Sau mỗi lần trở về, tàu của chàng thanh niên Trần Văn Cường không chỉ có cá, tôm mà khoang thuyền của anh còn chất đầy các loại vỏ lon, rác thải nhựa... Đó chính là “chiến lợi phẩm” trôi nổi giữa đại dương.

Chàng thanh niên đi tàu cá tiền tỉ thu gom rác gây quỹ giúp học sinh nghèo - Ảnh 2
Những loại rác thải nhựa, vỏ lon được anh Cường gom nhặt trên biển.

Những lần ra khơi, phải chứng kiến cảnh bà con ngư dân vứt các loại rác thải xuống lòng đại dương là anh Cường lại cảm thấy rất khó chịu. “Nếu hàng ngàn người vứt rác xuống biển mà không có người nhặt, thì dần dần ô nhiễm môi trường sẽ hạn chế sự phát triển của tôm cá. Từ suy nghĩ đó, mỗi lần ra khơi khi thấy vỏ lon nước hay rác thải trôi nổi trên mặt biển tôi lại vớt để lên khoang thuyền mang về đất liền tích trữ”, anh Cường chia sẻ.

Những lần đầu khi thấy anh Cường đi một con thuyền lớn mà dành khoang thuyền để đựng rác, nhiều người trêu chọc còn nói anh rằng, đi tàu tiền tỉ mà chỉ lo nhặt rác không lo làm ăn. Họ cho rằng anh quá “rảnh”, thậm chí còn cố tình vứt rác xuống biển để anh nhặt lên. Nhưng dần dần về sau, họ quen dần với hình ảnh chàng thanh niên có vóc dáng nhỏ bé, mỗi lần ra khơi lại tranh thủ dành thời gian rảnh để đi nhặt rác, thu gom vỏ lon, chai nhựa... với hy vọng sẽ hạn chế được một phần nhỏ lượng rác thải đổ xuống biển. Dụng cụ mà chàng thanh niên Trần Văn Cường dùng để vớt rác cũng rất đơn giản, anh tận dụng những vây lưới bị hỏng để làm vợt vớt rác và dụng cụ đựng rác.

“Chiến lợi phẩm” giữa biển khơi được gom góp để gây quỹ hiếu học

Kể từ khi giữ chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên Tổ dân phố Tân Bình (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), anh Cường đã tham gia vào nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như: Ngày chủ nhật xanh; Ngồi nhà thứ 2 trên biển. Ba năm nay, số tiền thu được từ việc bán rác được chàng thanh niên Trần Văn Cường chuyển vào quỹ để giúp các em học sinh nghèo trên địa bàn.

Chàng thanh niên đi tàu cá tiền tỉ thu gom rác gây quỹ giúp học sinh nghèo - Ảnh 3
Công cụ chuyên dụng để vớt và đựng rác rất thô sơ, chủ yếu làm từ các vây lưới bỏ đi.

Các loại vỏ lon, chai nhựa sau mỗi chuyến ra khơi bám biển được anh gom góp lại và lâu lâu lại bán một lần. Cứ khi nào đủ 1 triệu đồng thì số tiền này sẽ được chuyển lên cho quỹ giúp trẻ em nghèo của thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang). “Dù biết số tiền này không lớn nhưng phần nào đó động viên các em học sinh nghèo trên địa bàn có cái vở, cái bút để tới trường đầy đủ hơn, đồng thời là động lực để mình tiếp tục thu gom rác thải nhựa sau mỗi chuyến ra khơi”, anh Cường chia sẻ.

Chàng thanh niên Trần Văn Cường mong muốn có thêm nhiều chủ tàu, thuyền viên khác cùng gom nhặt vỏ lon, chai nhựa, rác thải... trên biển như mình. Bên cạnh đó, các ý tưởng nhằm bảo vệ môi trường cũng đang được anh Trần Văn Cường ấp ủ như vận động những người thân có tàu bổ sung “thùng rác trên tàu”. Hoặc có thể bỏ tiền túi của mình ra mua lại rác của tàu khác với giá rẻ để về gây quỹ giúp học sinh nghèo và góp phần bảo vệ môi trường biển.

Chàng thanh niên đi tàu cá tiền tỉ thu gom rác gây quỹ giúp học sinh nghèo - Ảnh 4
Anh dành riêng một khoang trên con tàu có công suất 1.018CV của mình để đựng các loại rác thu gom được trong quá trình ra khơi bám biển.

Theo anh Lê Hoành Thành, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang): Mô hình thu gom rác thải nhựa trên biển của anh Trần Văn Cường rất đáng ghi nhận và biểu dương, bên cạnh đó mô hình này cần được nhân rộng để giúp môi trường biển được xanh sạch hơn.

Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, thời gian gần đây nhiều tàu sau những chuyến ra khơi đã mang các loại rác thải nhựa về đất liền và ý thức hơn trong việc xả xác xuống biển. Vừa qua, Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An đã đi vận động người dân không vứt rác xuống biển sau mỗi chuyến ra khơi bám biển, đồng thời thu gom các vây lưới bỏ đi làm dụng cụ vớt và đựng rác phát cho các thuyền viên khi ra khơi.

Không chỉ là một ngư dân sản xuất giỏi mà anh Trần Văn Cường còn là Chủ nghiệm Câu lạc bộ “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” của thị trấn Thuận An, với khoảng 30 thành viên. Anh Cường luôn nhắc nhở bà con nâng cao ý thực bảo vệ môi trường biển đồng thời vận động các đồng nghiệp và ngư dân cùng nhau nhặt rác trên biển để hướng đến một ngày môi trường biển được xanh, sạch hơn.

Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Chàng thanh niên đi tàu cá tiền tỉ thu gom rác gây quỹ giúp học sinh nghèo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới