Chủ nhật, 24/11/2024 08:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/05/2023 06:40 (GMT+7)

Châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch ADB Asakawa Masatsugu khẳng định, châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu.

ADB công bố sáng kiến "1 USD vào, 5 USD ra"

Sáng kiến này có tên Quỹ Tài chính đổi mới cho khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương (IF-CAP), được ADB công bố tại khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB tại Incheon (Hàn Quốc).

Tại cuộc họp báo về sự kiện này, Chủ tịch ADB Asakawa Masatsugu khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu.

"Các sự kiện khí hậu chúng ta đã trải qua trong 12 tháng vừa rồi sẽ chỉ có thể tiếp tục gia tăng về cường độ và tần suất, vì vậy chúng ta phải hành động mạnh mẽ ngay bây giờ. IF-CAP là một chương trình sáng tạo đầy hứng khởi và sẽ có tác động thực sự. Đó là một ví dụ khác nữa về cam kết của chúng tôi trong việc phục vụ với vai trò là ngân hàng khí hậu cho châu Á - Thái Bình Dương", ông Asakawa nói.

ADB khẳng định đây là một chương trình có tính bước ngoặt trong việc tăng cường hỗ trợ cho các nước trong khu vực trước cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

IF-CAP được kỳ vọng sẽ giải quyết áp lực lên các ngân hàng trong việc đóng góp vào sáng kiến xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu tại châu Á.

Châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Chủ tịch ADB Asakawa Masatsugu tại cuộc họp báo ngày 2/5. (Ảnh: Nhật Đăng)

Các đối tác ban đầu của IF-CAP là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ. Các nước này sẽ đảm bảo một số khoản vay của ADB, chia sẻ các khoản lỗ trong trường hợp các bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Theo ADB, họ đang thảo luận với các đối tác trên về việc cung cấp một loạt khoản viện trợ không hoàn lại để chuẩn bị dự án cùng với bảo lãnh cho một phần danh mục khoản vay chính phủ của ADB. Rủi ro được giảm đi do các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ cho phép ADB giải phóng vốn để đẩy nhanh các khoản vay mới cho các dự án khí hậu.

Trong sáng kiến IF-CAP, ADB giới thiệu mô hình "1 USD vào, 5 USD ra", thay vì "1 vào, 1 ra" như bình thường. Điều này đồng nghĩa mỗi USD được bỏ vào sẽ tạo ra 5 USD cho các dự án liên quan tới biến đổi khí hậu.

Và với 3 tỉ USD bảo lãnh ban đầu, ADB muốn tạo ra những khoản vay mới lên tới 15 tỉ USD cho các dự án khí hậu cấp bách trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Đây được xem là cơ chế đảm bảo đòn bẩy cho tài trợ khí hậu chưa từng được một ngân hàng phát triển đa phương nào áp dụng từ trước đến nay.

Các bên hy vọng IF-CAP sẽ đóng góp vào mục tiêu sử dụng 100 tỉ USD từ các nguồn lực của mình cho việc chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019 - 2030.

ASEAN khu vực chịu tác động nặng nề của BĐKH

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao là nguyên nhân đe doạ đến cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân các nước trong khu vực.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Deltares, Hà Lan, hiện nay, khoảng 157 triệu người đang sống ở những nơi thấp 2m so với mực nước biển, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới. Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) còn đưa ra cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 0,8m cho tới năm 2100. Nếu như mực nước biển tăng lên 1m khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư sẽ chìm sâu trong nước, 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ đó.

Châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với lũ lụt. 

Còn theo nghiên cứu của Trung tâm Khí hậu, thuộc tổ chức Hoà Bình Xanh (Greenpeace), mực nước biển dâng cao còn làm tổn hại đến nền kinh tế các nước trong khu vực.

Các nước Đông Nam Á hiện luôn nỗ lực thực hiện để đạt phát thải ròng bằng 0 và đạt được mục tiêu nhiệt độ không vượt ngưỡng 1,5 độ C cho tới năm 2030, tuy nhiên, những chiến lược của các nước để đạt được mục tiêu đó vẫn vướng phải những hạn chế nhất định. Theo báo cáo của Bain & Company và Temasek dựa trên những số liệu đầu vào từ Microsoft, các nước Đông Nam Á cần phải cắt giảm lượng carbon dioxide ít nhất 45% cho tới năm 2030. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Đông Nam Á vẫn đang ở mức phát thải 3 triệu tấn carbon dioxide từ khoảng 647 triệu xe ô tô trên đường mỗi năm. Điều đó khiến cho việc thực hiện mục tiêu cho tới năm 2030 vẫn đang bị bỏ xa. Thêm vào đó, chiến lược đầu tư để giảm phát thải khí carbon của một số nước chưa đạt được hiệu quả. Hiện nay, mức đầu tư đang ít hơn 20 triệu USD so với tiêu chuẩn là tương đương từ 1 đến 3 nghìn tỷ USD để thực hiện giảm phát thải khí carbon. Báo cáo của Bain & Company và Temasek cho rằng mức đầu tư cần phải được nâng lên gấp 15-20 lần cho tới năm 2030.

Bên cạnh đó, chính sách giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch tại một số nước trong khu vực chưa cho thấy được kết quả.

Một thách thức khác đối với một số nước Đông Nam Á trong việc đối phó với biến đổi khí hậu là quá trình đô thị hoá nhanh tại các vùng ven biển dẫn tới việc bảo vệ môi trường khó khăn.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới