Châu Âu ghi nhận 2023 là một trong những năm cháy rừng tồi tệ nhất thế kỷ qua
Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu cho biết, trong năm 2023 các vụ cháy đã thiêu rụi 504.00 ha rừng, gấp đôi diện tích đất nước Luxemburg. Theo đó 2023 trở thành một trong những năm xảy ra cháy rừng tồi tệ nhất thế kỷ qua tại Châu Âu.
Báo cáo nâng cao về cháy rừng ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi do Ủy ban Trung tâm Nghiên cứu chung của EC thực hiện dựa trên dữ liệu của Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS).
Số liệu thu thập được cho thấy, trong năm ngoái đã có 504.002 ha rừng, diện tích lớn gấp đôi đất nước Luxembourg. Theo đó 2023 trở thành một trong những năm xảy ra cháy rừng tồi tệ nhất thế kỷ.
Tính riêng trong thế kỷ 21, ở EU tổng diện tích bị thiệt hại do cháy rừng trong năm 2023 lớn thứ tư, xếp sau năm 2017 (hơn 988.000 ha), năm 2022 (hơn 837.000 ha) và năm 2007 (hơn 588.000 ha), website của Ủy ban châu Âu dẫn số liệu trong báo cáo.
Năm 2023 cũng đã ghi nhận vụ cháy lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1980. Vụ cháy xảy ra vào ngày 19.8.2023 tại Hy Lạp, gây thiệt hại hơn 96.000 ha rừng và khiến nhiều người bị thương.
Cháy rừng năm 2023 bắt đầu với nhiều vụ cháy vào tháng 2 và tháng 3 hơn thường lệ, dẫn đến hơn 100.000 ha bị cháy ở EU. Một số vụ cháy lớn hơn đã xảy ra ở Tây Ban Nha vào đầu tháng 3 và tháng 5. Hoạt động cháy rừng lên đến đỉnh điểm vào những tháng mùa hè, khi điều kiện nguy hiểm về hỏa hoạn trở nên nghiêm trọng ở khu vực Địa Trung Hải.
Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng xảy ra ngày càng thường xuyên và được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn - theo như nhận định được nêu lên trong báo cáo đánh giá Rủi ro Khí hậu Châu Âu công bố vào tháng 3/2024.
Dữ liệu sơ bộ trong ba tháng đầu năm 2024 cho thấy số vụ cháy trung bình gần gấp đôi.Các vụ cháy rừng đã tạo ra khoảng 20 megaton khí thải CO2, tương đương gần 1/3 tổng lượng khí thải từ hàng không quốc tế ở EU trong một năm.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cũng báo cáo rằng tháng 2 năm 2024 là tháng ấm nhất được ghi nhận và là tháng ấm nhất thứ 9 liên tiếp. Tại châu Âu, cháy rừng đã được ghi nhận ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các dãy núi dọc khu vực phía bắc bán đảo Iberia. Vào giữa tháng 3, số vụ cháy cao – 1227 – trên mức trung bình 645 so với cùng kỳ hằng năm ở EU.
Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc của C3S cho bày tỏ thái độ lo ngại với xu hướng kéo dài liên tục của nhiệt độ Trái đất tăng cao. Điều này cho thấy, khí hậu toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ nóng đã tàn phá hành tinh. Trong đó phải kể đến hạn hán ở rừng Amazon là nguyên nhân của nhiều vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay, hay như hạn hán ở Nam Phi khiến mùa màng bị phá hủy, hàng triệu người dân đối mặt với nạn đói.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trái đất nóng dần lên là do khí nhà kính mà con người đã xả vào bầu khí quyển quá nhiều. Ông Friederike Otto, nhà nghiên cứu khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London cho biết, phần lớn khí nhà kính đều xuất phát từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Nếu không giảm lượng khí thải nhà kính, Trái đất sẽ càng nóng lên, từ đó dẫn tới biến đổi khí hậu, hạn hán, hỏa hoạn, nắng nóng và mưa lớn.
Kim Ngân