Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ ba, 29/11/2022 15:58 (GMT+7)

Chỉ số CPI tháng 11 tăng 3,02%, lạm phát tăng cao nhất gần 3 năm

Theo dõi KTMT trên

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước, trong đó, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Theo dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,39% so với tháng trước và 4,37% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

So với tháng trước, nhóm giao thông dẫn dắt đà tăng của CPI với mức tăng 2,23%. Theo sau là nhà ở và vật liệu xây dựng (0,97%); đồ uống và thuốc lá (0,26%).

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 11 làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/11, 11/11 và 21/11. Giá xăng dầu tăng 5,83% so với tháng trước (xăng tăng 5,84%; dầu diesel tăng 5,25%).

Chỉ số CPI tháng 11 tăng 3,02%, lạm phát tăng cao nhất gần 3 năm - Ảnh 1
Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu giảm 4,13%. Nhóm giao thông tăng nhẹ 0,97% do vé máy bay tăng 39,59%; vé ôtô khách tăng 16,59%; vé xe buýt công cộng tăng 13,76%; vé taxi tăng 6,61%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11 tăng 0,97% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân là nhu cầu đẩy giá tiền thuê nhà ở tăng 1,54%.

Giá gas tăng 5% so với tháng trước do từ ngày 1/11, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 20.000 đồng/bình 12 kg, sau khi giá gas thế giới tăng 35 USD/tấn (từ mức 575 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn).

Giá dầu hỏa tăng 7,02% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá. Riêng giá nước và điện sinh hoạt giảm lần lượt 0,09% và 1,79% so với tháng trước nhờ thời tiết mát mẻ, nhu cầu sử dụng điện, nước giảm.

Các nhóm hàng giảm giá so với tháng trước bao gồm giáo dục (-0,63%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,07%) và bưu chính viễn thông (-0,02%).

Riêng chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 11 tác động làm giảm CPI chung 0,04 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,71% chủ yếu do thành phố Hà Nội thực hiện hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên.

Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục của Hà Nội giảm 9,54% so với tháng trước.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, nhóm giáo dục vẫn tăng tăng cao nhất (10,96%) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022 - 2023.

Trong tháng 11, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/11/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.727,52 USD/ounce, tăng 3,33% so với tháng 10.

Trong nước, chỉ số giá vàng tăng 1,82% so với tháng trước; tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng USD trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Tính đến ngày 25/11, chỉ số USD bình quân tháng 11 đạt mức 108,16 điểm, giảm 3,4 điểm so với tháng trước.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.855 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 11 tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nguyên nhân làm tăng CPI trong tháng 11 năm 2022

Tổng cục Thống kê chỉ ra, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 11 tháng năm 2022 là: Giá xăng dầu được điều chỉnh 31 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 490 đồng/lít so với cuối năm 2021; xăng E5 tăng 120 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 7.230 đồng/lít; dầu hỏa tăng 8.130 đồng/lít. Tính bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 31,76%.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 11 tháng năm nay tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước. 

Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 11 tháng tăng 4,78% so với cùng kỳ năm trước. Nhà ở và vật liệu xây dựng 11 tháng năm nay tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. 

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 11 tháng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03%. Giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng năm 2022 tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,47% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022 - 2023.

Lạm phát cơ bản tăng 2,38% - thấp hơn mức CPI bình quân chung

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 11 tháng năm 2022 như: Giá thịt lợn giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn bảo đảm. 

Giá nhà ở thuê giảm 4,64% so với cùng kỳ năm trước, giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động và dịch vụ sửa chữa điện thoại giảm.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 11/2022 tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 4,81% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung chủ yếu do giá thực phẩm tươi sống là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 11 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Bình quân 11 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,38% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số CPI tháng 11 tăng 3,02%, lạm phát tăng cao nhất gần 3 năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới