Chi sự nghiệp môi trường: Chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế
1% ngân sách sự nghiệp môi trường đã tăng dần hàng năm, nhưng chưa tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế cũng như mức tăng huy động vào ngân sách Nhà nước.
Nhìn vào những thống kê của Bộ Tài chính, sẽ thấy rõ được điều đó. Bộ này cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trong 5 năm 2016 - 2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỉ đồng. tỉ lệ huy động thu vào ngân sách Nhà nước đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch là 23,5% GDP; trong đó, từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP theo kế hoạch.
Nhưng tỉ lệ tăng chi sự nghiệp môi trường lại không cao, không "xa" như vậy. Bằng chứng là giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục đảm bảo bố trí 1% tổng chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỉ lệ này theo tốc độ chi ngân sách Nhà nước. 1% ngân sách môi trường quả thực không tương xứng với tầm quan trọng của "trụ cột" môi trường trong phát triển bền vững của đất nước và không tương xứng với thực tế tài chính cải thiện của đất nước.
Chính vì thế, không phải đến bây giờ, ý kiến tăng ngân sách sự nghiệp môi trường lên hơn 1% mới được đề cập như một nhu cầu cấp bách. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, các nước ASEAN đầu tư trung bình bảo vệ môi trường hàng năm là 1% GDP, ở các nước phát triển là 3 - 4% GDP.
Bức tranh tổng thể về ngân sách Nhà nước năm 2020. |
Theo đánh giá, nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu đầu tư. tỉ trọng phân bổ nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương cũng còn bất cập. Môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị có mật độ dân số cao… vẫn tiếp tục bị xuống cấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, hầu hết các địa phương sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do vậy, nhìn từ góc độ tài chính cho bảo vệ môi trường cần tăng nguồn kinh phí và gắn liền với sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Về cơ bản và lâu dài, nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường phải dựa vào đầu tư, đóng góp của những người khai thác, sử dụng môi trường (doanh nghiệp, dân cư) nhưng trong bối cảnh cụ thể của đất nước và trong tầm nhìn trung và dài hạn, ngân sách Nhà nước sẽ vẫn còn tiếp tục là nguồn tài chính chủ yếu cho bảo vệ môi trường.
Đề xuất tăng 2% tổng chi ngân sách là con số được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Con số 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (ở Việt Nam tương đương với khoảng 1% GDP) cho sự nghiệp môi trường là tất yếu trong bối cảnh cụ thể của đất nước cả trong tầm nhìn ngắn hạn, dài hạn và cũng tương hợp với mức chi bình quân của nhiều nước trên thế giới (khoảng 1% - 3% GDP) trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa.