Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ năm, 18/03/2021 17:00 (GMT+7)

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Tăng trưởng xanh tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế.

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Ảnh 1

Xanh hóa sản xuất

Thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.

Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 gồm: Giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; tỉ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP.

Trong lĩnh vực nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm xanh. Đặc biệt là chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hình thành các vùng sản xuất, trung tâm phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Ảnh 2
Xây dựng môi trưởng sản xuất xanh - bền vững.

Xanh hóa sản xuất là thực hiện một chiến lược “công nghiệp sạch”, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Theo phân tích của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, xanh hóa sản xuất là thực hiện một chiến lược “công nghiệp sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.

Đại diện Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, Sở đã triển khai ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn, bước đầu có những kết quả nhất định. Theo đó, có 104 giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng, tiết kiệm trên 2.600 TOE/năm, tương đương 31,6 tỉ đồng/năm.

Bên cạnh việc thúc đẩy năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Sở Công Thương Hà Nội còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo thông qua mô hình thí điểm hệ thống pin mặt trời áp mái tại Công ty CP sản xuất và kinh doanh đồ uống Thảo Mộc. Hiện, TP.Hà Nội cũng đang nghiên cứu mở rộng các mô hình thí điểm để tiến tới nhân rộng toàn thành phố.

Đối với ngành công nghiệp dệt may – nhuộm, một số doanh nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh sản xuất hướng đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả và sạch, hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam cũng hướng đến phân phối “xanh”, nhiều cửa hàng chuyên doanh hiện đã có sự nhận biết đầy đủ và cập nhật về các sản phẩm thân thiện với môi trường từ cả hai phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chẳng hạn ở các cửa hàng chuyên doanh điện máy như chuỗi siêu thị điện máy xanh, sản phẩm tiết kiệm năng lượng có giá thành phải chăng tiếp tục được đón nhận. Chuỗi thực phẩm chức năng và mỹ phẩm thiên nhiên như The Body Shop, Le Ocitane, Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Bác Tôm… đang triển khai kinh doanh tập trung vào các sản phẩm hữu cơ.

Đặc biệt, có nhiều siêu thị kinh doanh tổng hợp đã tích cực hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường như thay thế túi nilon bằng túi từ vật liệu thân thiện với môi trường; hay sử dụng ống hút bằng giấy, tre, gạo, cỏ thay thế cho ống hút nhựa.

Xanh hóa sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính hướng tới tăng trưởng bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp Việt hòa vào dòng chảy xu hướng quốc tế mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình.

Khi sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, sản xuất giúp giảm chi phí điện năng (như cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt, máy biến tần…). Để tiết kiệm nước, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng. Hệ thống điện mặt trười giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận từ ánh nắng, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Chi phí vận hành giảm sẽ cho phép doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh hoặc sử dụng để tối ưu hóa nguồn vốn, tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, nhảy vọt.

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.

Bên cạnh các tác động từ chính sách, phong trào, chương trình hành động tiêu dùng xanh đã và đang phát triển rộng rãi trong cả nước, bước đầu đạt những kết quả tốt, thu hút đông đảo người dân tham gia. TP.HCM trong những năm gần đây đều tổ chức chiến dịch tiêu dùng xanh hàng năm với hơn 30.000 lượt tình nguyện viên tham gia.

Gần 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng, mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tăng lên từ 40 -60% trong tháng diễn ra chiến dịch.
Đặc biệt, thay vì dùng túi nilon, nhiều người nội trợ ở các thành phố lớn hiện mang theo sẵn túi đựng khi tới các cửa hàng, siêu thị, hoặc sử dụng túi nilon sinh học để đựng hàng hóa. Nhiều cửa hàng tạo cho mình phong cách riêng với các túi đựng được làm từ giấy hay túi sinh thái.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Ảnh 3
Túi nilon dần được thay thế tại các siêu thị.

Những túi này thường có những dòng thông điệp rất ý nghĩa. Ví dụ như túi sinh thái (Lohas) của Hệ thống siêu thị VinMart có dòng chữ “Tiêu dùng xanh - Sống an lành” cùng với thiết kế đẹp mắt ấn tượng, giá thành chỉ khoảng 5.000 đồng/chiếc có thể tái sử dụng nhiều lần và cất gọn khi không dùng đến.
Người dân khi đi siêu thị chia sẻ: “Nước mình khí hậu nhiệt đới, cây cỏ tươi tốt quanh năm. Từ xưa, ông bà mình đã biết dùng lá chuối, bẹ chuối, lá dong…gói gém thực phẩm vừa không độc hại và gây ô nhiễm môi trường. Các túi đựng làm bằng cói, mây, tre đan vừa bền vừa đẹp sao không sản xuất đại trà cho người tiêu dùng trong nước để thay thế dần túi nilon?”.

Gần đây, phong trào sử dụng điện, nước tiết kiệm, tắt máy xe mô tô nếu dừng đèn đỏ trên 20 giây, chọn mua thiết bị tiết kiệm điện hay lắp đặt sử dụng hệ thống Thái dương năng đang được tuyên truyền rộng rãi đến người dân.

Tiêu biểu như Dự án taxi xanh của TP.Đà Nẵng; mô hình “Gia đình tiết kiệm điện” và “mô hình ESCO quy mô gia đình, quy mô công nghiệp” ở TP.HCM, đã cung cấp một loạt các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế, thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro.

Hành động sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững” vừa được tổ chức cho thấy, nhằm hướng đến nền kinh tế sạch - kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, ngành công thương đang đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; thay đổi hành vi tiêu dùng.

Việt Nam đã có những chính sách để tạo điều kiện phát triển kinh tế sạch - kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP), Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 và Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp năm 2021. Thông qua các Chương trình, chiến lược, các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn đã được xây dựng mà trong đó có các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.

Tạo lợi thế cạnh tranh, bước chân vào những thị trường khó tính

Theo một nghiên cứu, khi khảo sát trên 20.000 người tiêu dùng Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng quan tâm và sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Cụ thể, có đến 73,5% người dùng quan tâm đến các yếu tố môi trường, 80% sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sạch, các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ được 84,5% người dùng ưu tiên sử dụng và 91,2% số người khảo sát cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao. Do đó, khi doanh nghiệp sản xuất xanh, tạo ra những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, cơ hội cạnh tranh trong “cuộc chiến” thu hút người dùng sẽ cao hơn. Theo Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP), trong khi thị trường đứng yên, các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sinh thái đều tăng trưởng trung bình 15%/năm.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Ảnh 4
Những sản phẩm được sản xuất xanh sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế.

Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế (như Tiêu chuẩn ISO 14000), là những tấm vé thông hành để doanh nghiệp thâm nhập thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là những thị trường khó tính nhưng có mức chi tiêu cao như Mỹ, châu Âu. Thực tế, ở một số quốc gia hoặc tiểu bang, họ yêu cầu các sản phẩm phải có tiêu chuẩn xanh. Nếu muốn gia nhập thị trường của họ, các công ty bắt buộc phải cải tiến và đưa ra các sản phẩm được chứng nhận xanh.

Nhiều doanh nghiệp quốc tế khi lựa chọn hay phát triển nhà cung cấp cũng chú trọng tiêu chí bền vững. Chẳng hạn như Nike, họ đánh giá các nhà máy gia công trên 4 tiêu chí: chất lượng, đơn hàng, thời gian giao hàng và sản xuất bền vững. Các tiêu chí này có tầm quan trọng ngang nhau. Hay Adidas – một trong các đối tác lớn nhất của doanh nghiệp dệt may, da giầy Việt Nam – áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, quy định mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch, khí thải CO2. Như vậy, sản xuất xanh là một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp là nhà cung cấp của họ.

Theo nhận định của các chuyên gia, sắp tới nhiều khả năng sẽ có làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và dịch Covid-19. Với dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm 2020, đồng thời là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong nhóm các nước ASEAN, cùng với sự ổn định môi trường đầu tư, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư ngoại. Nếu muốn đón đầu cơ hội “vàng” trở thành đối tác của các công ty, tập đoàn quốc tế sẽ đến Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển này, các doanh nghiệp phát triển logistics hoặc cung ứng sẽ cần chú trọng phát triển sản xuất xanh ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu của họ và tự tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.

Trong số những giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh phải kể đến các nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh; nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, ban hành hệ thống tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật và thông tin dữ liệu về tăng trưởng xanh.

Nội dung chính của các nhóm giải pháp này là thúc đẩy việc dán nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; Xây dựng hệ thống chứng nhận và dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm xanh, hình thành và quảng bá thị trường sản phẩm xanh; Áp dụng một số công cụ kinh tế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế và phí bảo vệ môi trường để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý, trước hết đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường; Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hạn chế lãng phí năng lượng và tài nguyên; Khuyến khích nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh/các-bon thấp, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng.

Việc ban hành chính sách cùng các công cụ pháp lý khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường như ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường của Nhà nước cùng với xu thế khi người tiêu dùng mua sản phẩm hàng hóa không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe.

Môi trường của sản phẩm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh trong các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về môi trường và xã hội; có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; có uy tín trên thị trường và lợi thế trong các quyết định mua sắm của Chính phủ.

Qua đó, nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới