Chủ nhật, 24/11/2024 05:25 (GMT+7)
Thứ năm, 25/05/2023 06:00 (GMT+7)

Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023

Theo dõi KTMT trên

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều ngày 24/5, Quốc hội nghe các Báo cáo về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%.

Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản không được đề xuất giảm thuế

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu ngân sách nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 được nộp trong tháng 1/2024).

Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Áp dụng từ tháng 7 là tương đối muộn

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV-2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nếu như giải pháp này được tiếp tục thực hiện ngay từ đầu tháng 1-2023 (sau khi chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành từ 31-12-2022) thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh. Việc Chính phủ đề xuất giảm thuế GTGT từ thời điểm 1-7-2023 là tương đối muộn và việc giảm thuế không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không phát huy được nhiều tác dụng cho các doanh nghiệp. Sự ngắt quãng trong thực hiện chính sách còn dẫn đến những hạn chế và phí tổn khác trong quản lý và thực hiện, phức tạp trong xử lý chuyển tiếp cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách, đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Về hiệu lực thi hành, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Đề xuất áp mức giảm cao hơn

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh tổng cầu giảm, kinh tế khó khăn hiện nay.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng nên giảm thuế này ở mức cao hơn, 3-5%, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng doanh số, kích thích tăng trưởng. "Doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn, sẽ quay lại nộp thuế. 'Khoan sức dân' trong bối cảnh này là cần thiết", ông nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Trần Văn Lâm nêu quan điểm việc giảm thuế VAT 2% như đã áp dụng trong năm 2022 là phù hợp. Bởi theo ông, trong hàng loạt nhóm hàng hóa dịch vụ, không phải mặt hàng nào cũng cần khuyến khích tiêu dùng. Tức là không nên giảm thuế đồng đều tất cả các hàng hóa dịch vụ như nhau.

Bên cạnh đó, các đại biểu đều cho rằng thời gian giảm thuế này nên kéo dài hơn, tức có thể kéo dài sang 2024 để đảm bảo "chính sách áp dụng là dài hạn, ổn định, tránh giật cục" khiến doanh nghiệp và cơ quan thực thi gặp khó.

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dù chưa có đánh giá tổng kết vì Nghị quyết 43 đang được triển khai nhưng qua theo dõi cho thấy nhiều DN đánh giá cao việc giảm thuế VAT. Điều này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà với DN cũng tác động giảm chi phí sản xuất, góp phần vào giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng bán hàng hoá, dịch vụ.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, ngay khi chính sách giảm thuế VAT trong Nghị quyết 43 hết hiệu lực vào cuối năm 2022, nhiều DN và hiệp hội DN đã kiến nghị gia hạn chính sách này.

Tuy nhiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, trước đây, thời gian đầu còn có một số khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Chính vì vậy, lần này, nếu được Quốc hội thông qua, đại biểu tin rằng Chính phủ với kinh nghiệm thực tiễn sẽ tổ chức triển khai tốt hơn.

Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 25/5 và thảo luận hội trường vào 1/6 trước khi quyết định. Trong trường hợp được Quốc hội thông qua, nội dung này sẽ được đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới