Thứ năm, 28/11/2024 02:07 (GMT+7)
Thứ ba, 24/11/2020 09:10 (GMT+7)

Cho dừng hay tiếp tục thi công dự án thủy điện Rào Trăng 3?

Theo dõi KTMT trên

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai thi công tiếp công trình thủy điện Rào Trăng 3 chỉ được tiến hành khi các yếu tố an toàn được khẳng định.

Đầu tháng 11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi nhận được báo cáo của Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 (chủ đầu tư dự án thủy điện Rào Trăng 3, tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) về việc báo cáo nhanh sạt lở tại công trình nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng để tìm kiếm người bị mất tích. Thực hiện chế độ hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các Sở: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các công việc kiểm tra, giám định sự cố.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Công Thương có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố vừa qua.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn kiểm tra tại dự án thủy điện Rào Trăng 3. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy khu vực nhà máy thuộc dự án thủy điện Rào Trăng 3 có nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Cho dừng hay tiếp tục thi công dự án thủy điện Rào Trăng 3? - Ảnh 1
Lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến câu hỏi, dừng hẳn hay tiếp tục triển khai để hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác công trình thủy điện Rào Trăng 3? Trao đổi với báo Tiền phong, ông Phan Thiên Định cho biết: Qua thực địa, khả năng tiếp diễn sạt lở quanh khu vực Rào Trăng 3 là rất lớn, do đó cần đánh giá lại một cách tổng thể.

Theo ông Định, việc đánh giá này bao gồm công trình đã thi công trước đó có bảo đảm an toàn để tồn tại sau khi xuất hiện sự cố sạt lở, từ đó để tiếp tục triển khai các công việc thi công khác quanh khu vực; khả năng sạt lở có thể tái diễn nếu tiếp tục thi công, hoặc khi đưa nhà máy đi vào vận hành; các giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn…

“Việc triển khai thi công tiếp chỉ được tiến hành khi các vấn đề trên được làm rõ và yếu tố an toàn được khẳng định. Để làm những công việc này, cần các chuyên gia về xây dựng, địa chất... có kinh nghiệm, do đó cần xin thêm sự hỗ trợ của Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý”, ông Phan Thiên Định cho biết.

Còn theo ý kiến của ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3, trong thời gian tạm ngưng thi công, chủ đầu tư và cơ quan chức năng sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia, đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính an toàn về xây dựng công trình tại thủy điện này.

Thủy điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư vào tháng 11/2008, là nhà máy thủy điện thứ 13 tại Thừa Thiên Huế được cấp phép đầu tư xây dựng.

Dự án được xây dựng trên sông Rào Trăng (nhánh cấp 1 của sông Bồ), thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư.

Thuỷ điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Đến năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2631/QĐ-BCT về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3.

Theo đó, sau điều chỉnh, công suất nhà máy được nâng lên 13MW và điện lượng trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh.

Đáng chú ý, trên một khúc sông Rào Trăng khoảng 25km có 4 thủy điện bậc thang: A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4. Trong đó Rào Trăng 3 và A Lin B1 đang trong giai đoạn thi công.

Từ tháng 8/2009, quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế được điều chỉnh, tách dự án thủy điện A Lin thành hai dự án thủy điện độc lập là A Lin B1 và A Lin B2. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2014 thì thủy điện nhỏ của tỉnh này tăng lên 21 dự án. Tháng 11/2014, theo yêu cầu của Bộ Công thương, tỉnh này đã rà soát và loại bỏ 7 dự án. Sau đó tỉnh bỏ thêm 1 dự án nữa, nay còn lại 13 dự án, trong đó 9 nhà máy đã vận hành phát điện, 3 nhà máy đang thi công...

Cả 13 dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đều nằm trong rừng núi đầu nguồn các con sông. Để xây dựng các nhà máy thủy điện này buộc phải "hi sinh" một diện tích rừng tương ứng. Trong đó, chỉ riêng 4 dự án thủy điện bậc thang trên sông Rào Trăng đã lấy đi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền khoảng 200ha rừng.

Một lãnh đạo ngành lâm nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, trong 4 nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng thì có đến 3 nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Cho dừng hay tiếp tục thi công dự án thủy điện Rào Trăng 3?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới