Chủ nhật, 24/11/2024 05:49 (GMT+7)
Thứ tư, 30/03/2022 10:00 (GMT+7)

Cho vay mua bất động sản có nhiều rủi ro, nhiều ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay

Theo dõi KTMT trên

“Nhiều dự án BĐS đều lướt sóng đầu cơ để bán lại đến 90%, rất dễ gây vỡ trận BĐS, mà hậu quả rất nguy hiểm cho doanh nghiệp, người đầu tư và ngân hàng… Trong đó siết chặt điều kiện cho vay BĐS là yếu tố quan trọng”.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 mới đây cho thấy, Quý I/ 2022, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, hiện một số ngân hàng (NH) không cho doanh nghiệp, cá nhân vay mua bán, kinh doanh BĐS, nhất là cho vay kinh doanh, đầu tư các dự án có quy mô lớn. Có nhiều NH siết chặt điều kiện cho vay BĐS do rủi ro từ lĩnh vực này được dự báo tiếp tục gia tăng.

Cho vay mua bất động sản có nhiều rủi ro, nhiều ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay - Ảnh 1
Ngân hàng "thắt chặt" hơn điều kiện cho vay kinh doanh bất động sản.

Nhiều ngân hàng đổ vốn vào bất động sản bị cảnh báo

Trước hiện tượng nhiều NH đua nhau đổ vốn vào bất động sản (BĐS) và hạ lãi suất cho vay mua nhà, NHNN đã lên tiếng cảnh báo các NH và cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các NH đang đẩy mạnh rót vốn cho BĐS vì đây là lĩnh vực có thể cho vay lãi suất cao, chưa kể nhiều người thắng chứng khoán đang muốn chuyển vốn sang BĐS.

Một ví dụ cụ thể, anh Lê Minh H. (Hà Nội), đại lý bảo hiểm của Nhật Bản, cho biết vừa cầm cố sổ đỏ tại một NH để vay 300 triệu đồng nhằm gom đủ tiền mua mảnh đất ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) do lãi suất đang rất "dễ thở" (năm đầu tiên chỉ 7,6%/năm).

Hay như chị Nguyễn Thu L (Phú Thọ) - nhân viên của một doanh nghiệp ở Hà Nội - cho biết, đang cân nhắc làm thủ tục vay vốn NH để thanh toán cho căn hộ ở Hà Nội vừa được đặt cọc tuần trước bởi lãi suất cho vay có tài sản đảm bảo "mềm" hơn những năm trước. Có NH áp mức lãi suất 5%/năm trong 3 tháng đầu hoặc 7,4%/năm trong năm đầu với khoản vay có thời hạn 5 năm.

Hiện có hàng chục NH đang chạy đua triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có vay mua BĐS, với lãi suất khá hấp dẫn. Có NH áp mức lãi suất 5,9%/năm nếu ưu đãi trong 3 tháng, từ 6,79%/năm nếu cố định trong 6 tháng hoặc từ 7,6%/năm nếu cố định trong 12 tháng đầu tiên. Sau khi hết ưu đãi, lãi suất cũng chỉ khoảng 9-10%, giảm 1-2%/năm so với trước.

Chẳng hạn, giữa tháng 1/2021, BIDV đã tung ra gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5-7,9%/năm; nếu cố định trong 36 tháng, lãi suất là 9%/năm.

OCB trước đó cũng tung ra gói vay 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà, kể cả BĐS dự án, với lãi suất thấp nhất từ 4,99%/năm trong 3 tháng đầu.

Dư nợ cho vay BĐS tại các NH được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê của NHNN tại báo cáo gửi Quốc hội, có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chảy vào kênh BĐS. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ cho vay BĐS.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh NHNN TP.HCM, cho biết, dư nợ BĐS tại TP.HCM đang chiếm 13,8% tổng dư nợ, tăng 1% so với con số ước 12,8% cuối năm ngoái.

Tính theo con số tuyệt đối, dư nợ cho vay BĐS tính đến hết tháng 1/2021 tại TP.HCM đạt 2,6 triệu tỷ đồng. Do đó, NHNN cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS và tăng cường thanh tra, giám sát với tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS...

Ngân hàngSacombank tạm dừng cho vay lĩnh vực BĐS

Tìm hiểu thông tin cho thấy, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, mới đây NH Sacombank đã quyết định không cho vay đối với lĩnh vực bất động sản từ 23/3 đến hết 30/6/­­­2022.

Tổng giám đốc NH Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch triển khai và điều hành hoạt động cho vay tại đơn vị với nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, Sacombank sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…

Riêng đối với lĩnh vực BĐS, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, qui định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa BĐS để ở.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank lý giải về quyết định này cho biết: “Mỗi ngân hàng có một chiến lược cho vay riêng. Hiện tỷ lệ tăng trưởng cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank cũng nhiều rồi nên trong giai đoạn này, chúng tôi không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt thì chúng tôi vẫn thực hiện giải ngân như bình thường.

Mặt khác, hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng mới là dự ước (giao tạm) thôi nên room tín dụng của các NH đâu có nhiều. Trong khi đó, mới gần kết thúc quý I/2022 mà tín dụng đã tăng gần bằng room tín dụng NHNN giao rồi, do đó việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.

Riêng cán bộ nhân viên là những người đã và đang làm việc tại Sacombank, giờ đây nếu họ có nhu cầu vay để mua, xây, sửa nhà với mục đích để ở thì cần khuyến khích họ chứ. Bởi như vậy thì họ càng gắn bó với Sacombank nhiều hơn".

Cũng trong văn bản gửi đến các chi nhánh, phòng giao dịch Sacombank, Tổng Giám đốc ngân hàng này yêu cầu không thực hiện huy động – cho vay cầm cố sổ tiết kiệm cùng lúc.

Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7%-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng.

Do đó, các chuyên gia kinh tế tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các NH sẽ duy trì ở mức tương đối cao. Hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15%-35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu.

Chiều ngày 29/3, PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi nhanh với Chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực về vấn đề hiện nay nhiều NH siết chặt điều kiện cho vay, mua BĐS này.

Cho vay mua bất động sản có nhiều rủi ro, nhiều ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay - Ảnh 2
Chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực.

PV: Ông đánh giá như thế nào trước việc hiện một số NH không cho doanh nghiệp, cá nhân vay mua bán, kinh doanh BĐS, nhất là cho vay kinh doanh, đầu tư các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng… ?

Chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực: Chúng ta thấy TP.HCM, Hà Nội  đều xây dựng nhà cao giá đến 500 triệu đồng/m2 căn hộ, có căn hộ vài ba chục tỷ đồng và không có căn hộ dưới 2 tỷ. Cùng biệt thự vài chục tỷ cho đến trăm tỷ đồng.

Rồi các tỉnh xây dựng mỗi dự án hàng ngàn hecta với hàng vạn căn hộ nhà phố biệt thự. Những dự án này đều lướt sóng đầu cơ để bán lại đến 90%, rất dễ gây vỡ trận BĐS, mà hậu quả rất nguy hiểm cho doanh nghiệp, người đầu tư và NH.

Vì thế cần thiết phải có nhiều phương cách giảm tối đa việc đầu tư phiêu lưu nguy hiểm quá này. Trong đó siết chặt điều kiện cho vay BĐS là yếu tố quan trọng.

Chúng ta đã có bài học về vài resort vỡ trận, kéo theo quá nhiều hệ luỵ xấu cho ngân hàng tài chính kinh tế trật tự trị an… Gần nhất là nếu ông Quyết FLC có "mệnh hệ" nào thì hàng vạn sản phẩm của FLC vỡ trận, có thể lôi kéo theo hàng trăm ngàn sản phẩm BĐS. Một kết cục quá đau lòng!

Trong khi đó, chính quyền và doanh nghiệp không có kế hoạch gì để làm nhà giá rẻ dưới 1 tỷ đồng/căn hộ, rồi nhà cho thuê chừng dưới 4 triệu đồng/tháng cho người nghèo và lao động nhập cư. Đây là thiếu sót rất lớn kéo dài 20 năm qua, mà chưa thấy kế hoạch nào thực hiện. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi hứa 1 triệu căn!

Xin cảm ơn ông!

Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho rằng: “Cần đánh giá đúng tín dụng tăng trưởng vào phân khúc nào. Vì đầu tư, kinh doanh BĐS khác với vay để mua nhà ở. Tín dụng cho vay đáp ứng nhu cầu thật để mua nhà ở, đất ở của người dân là quá tốt, nên khuyến khích. Bởi những lao động trẻ, công chức mới ra trường làm việc ở các thành phố có nhu cầu mua căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp vay kinh doanh nhà ở, chung cư hoặc đất nền để có những sản phẩm cho người dân mua thì nên được vay. Còn với những BĐS thuộc các phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, các NH nên cân nhắc, xem xét”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Cho vay mua bất động sản có nhiều rủi ro, nhiều ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới