Chơi gì ở An Giang mùa nước nổi?
Tháng 9-11 là thời điểm thích hợp để du lịch miền Tây. Du khách có thể bỏ túi những điểm vui chơi dưới đây khi ghé An Giang.
Mảnh đất Tây Nam Bộ luôn được các tín đồ mê xê dịch đánh dấu “pin” ưu tiên trên bản đồ du lịch. Có nhiều địa danh miền Tây khiến người ta nhớ nhung, mỗi nơi mang một nét đẹp riêng. Cần Thơ có chợ nổi nhộn nhịp, Sóc Trăng màu sắc với những ngôi chùa kiến trúc lạ…
An Giang lại cuốn hút bởi vẻ đẹp yên bình của những cánh đồng thốt nốt nhuộm nắng chiều vàng ươm. Nơi đây là một trong những điểm du lịch hút khách ở miền Tây với vẻ đẹp bình dị, công trình kiến trúc độc đáo. Nếu dự định đến An Giang thời điểm này, bạn có thể tham khảo những điểm vui chơi dưới đây.
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là địa điểm check-in không còn xa lạ với nhiều du khách. Đến đây, bạn có thể tìm được rất nhiều góc "sống ảo" mang đậm màu sắc điển hình vẻ đẹp miền Tây Nam Bộ.
Vào mùa nước nổi, mùa của chim trời, cá nước, bạn sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên trù phú nơi đây.
Du khách còn có thể thuê xe đạp để tham quan và săn ảnh với các loài động vật trên cánh rừng ngập mặn rộng hơn 800 ha. Để vào rừng tràm, du khách phải mua vé 190.000 đồng/người. Nếu đi 2 người, giá vé là 130.000 đồng/người. Càng đi đông, giá vé càng rẻ. Mức phí này đã bao gồm chi phí đi xuồng và vé vào cổng. Du khách sẽ được ngồi xuống tham quan rừng tràm khoảng 2 tiếng.
Nếu muốn thấy hết được màu xanh của khu rừng, du khách nên đến đây lúc sáng sớm.
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar
Masjid Jamiul Azhar là một trong những thánh đường lớn nhất tại An Giang, thuộc địa phận xã Châu Phong. Được xây dựng từ năm 1959 và đã qua nhiều lần trùng tu, thánh đường đã trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi ở An Giang. Thánh đường cách trung tâm thành phố Long Xuyên (An Giang) khoảng 60 km.
Trước khi vào khuôn viên Jamiul Azhar, bạn sẽ thấy một nghĩa trang với nhiều hàng bia đá khắc tên người quá cố. Theo chia sẻ của người địa phương, nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của rất nhiều người Hồi giáo trên khắp Việt Nam, không riêng trong vùng. Lối xây dựng kỳ lạ này khiến thánh đường trở nên bí ẩn và có sức quyến rũ với các tín đồ theo đạo Hồi.
Nơi đây được thiết kế lạ mắt với hai gam màu chính là trắng và xanh ngọc. Điểm nhấn là những mái vòm cao, rộng của kiến trúc Hồi giáo. Khung cửa in hoa văn viền cách điệu theo lối kiến trúc cổ của đạo Hồi, khiến toàn bộ thánh đường trông như một tuyệt tác nghệ thuật độc đáo.
Hồ Tà Pạ
Địa điểm này thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Hồ Tà Pạ là một hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá, vô tình đã tạo nên một hồ đá chứa nước trên núi Tà Pạ.
Từ TP.HCM, du khách di chuyển đến chợ Tri Tôn, sau đó chạy hết đường Nguyễn Trãi. Từ cổng chùa Tà Pạ, bạn hỏi đường nguời dân địa phương để đến đồi Tà Pja và hồ Tà Pạ.
Bao quanh hồ Tà Pạ là các vách đá to, dựng đứng. Điểm cuốn hút của của hồ Tà Pạ là màu nước thay đổi liên tục, tạo ra cảm giác mới lạ cho người tham quan. Đứng từ Tà Pạ, bạn sẽ có thể quan sát những cánh đồng vàng xanh mơn mởn đến những ngọn núi trập trùng cây xanh, vách đá.
Núi Cô Tô
Ngọn núi cao hơn 600 m này có tên gọi khác là Phụng Hoàng Sơn. Ngọn núi được bao quanh bởi những cánh đồng rộng mênh mông, bát ngát. Vào mùa lúa chín, đứng từ trên cao, bạn có cơ hội nhìn bao quát từng thửa lúa rực sắc vàng cũng như khung cảnh sông nước hữu tình.
Để lên đỉnh núi, bạn có thể chọn đi xe máy, xe ôm hoặc cuốc bộ dọc theo dãy bậc thang. Nhiều bạn trẻ còn chọn cắm trại ở khu vực này để ngắm bình minh và hoàng hôn. Không những thế, bạn còn được nghe người dân kể các truyền thuyết rất thú vị về ngọn núi Cô Tô.
Bích Phương