Chủ nhật, 24/11/2024 06:59 (GMT+7)
Thứ ba, 23/08/2022 17:55 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội: “Hà Nội cần rà soát, tránh lãng phí nguồn lực đất đai”

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần kiểm đếm diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, giải quyết câu chuyện đất dịch vụ bởi đây là đặc thù của TP.Hà Nội.

Hà Nội luôn trách nhiệm cao với tiết kiệm, chống lãng phí

Theo UBND TP.Hà Nội, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Đáng chú ý trong giai đoạn 2016-2021, Thành phố đã tiết kiệm được gần 42.000 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước.

Tại buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Hà Nội đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, đầy đủ về nội dung này; đồng thời là địa phương luôn có tinh thần trách nhiệm cao về tiết kiệm, chống lãng phí trong cả lĩnh vực công lẫn tư; thực hiện rất tốt Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy, biên chế. TP.Hà Nội cũng là địa phương đã thực hiện hợp lý hoá cơ cấu chi khi đã dành 49% ngân sách cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên còn 51%.

Bên cạnh đó, TP.Hà Nội rất chú trọng cắt giảm định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tiết giảm được nhiều chi phí, từ vệ sinh môi trường, sửa chữa đê điều, chiếu sáng… Thành phố cũng rất chủ động, rà soát thường xuyên dự án treo, dự án chậm tiến độ. Tỷ lệ thu nội địa (chủ yếu từ thực lực nền kinh tế) của Hà Nội lớn. 

Cho biết mục tiêu lớn nhất sau cuộc giám sát lần này là nhằm khai thác các nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực tốt hơn để làm dư địa cho tăng trưởng, phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của TP.Hà Nội .

Chủ tịch Quốc hội: “Hà Nội cần rà soát, tránh lãng phí nguồn lực đất đai” - Ảnh 1
Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.

Báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, thành phố có hơn 700 dự án (khoảng 5.000ha đất) sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó có 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Đến nay, có 68 dự án đã hoàn tất hồ sơ, xử lý xong.

Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đến nay, có 213 dự án đã xử lý xong. Trong đó, có 105 dự án với tổng diện tích 299 ha đất, sau thanh tra, kiểm tra chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các bất cập, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7ha đất, kiến nghị trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án. Tổ công tác liên ngành thành phố đã làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại đối với 191 dự án thành chín nhóm dự án và phân công các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện.

Bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân

Trước thực trạng tồn tại dai dẳng dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm, gây bức xúc dư luận, lãng phí nguồn lực đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất. Quá trình lập quy hoạch lưu ý tính thống nhất, có tầm nhìn dài hạn, dứt bỏ tư duy nhiệm kỳ, bảo đảm cân đối tổng thể giữa bảo tồn và phát triển, giữa các thế hệ và giữa những bên liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và cả nước. 

Bên cạnh đó, tuyệt đối tránh quy hoạch "treo" không thực hiện được hoặc bố trí quỹ đất cho những mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị; xử lý nghiêm minh sai phạm theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích và chỉ rõ những lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cần tập trung khắc phục trong thời gian tới của TP.Hà Nội.

Cụ thể, cần kiểm đếm diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, giải quyết câu chuyện đất dịch vụ bởi đây là đặc thù của TP.Hà Nội. Làm sớm công tác quy hoạch đất đai, tính toán để có dư địa cho phát triển, khai thác tối đa nguồn lực đất đai.

Đối với các dự án treo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc thống kê, kiểm điểm là một phần, quan trọng hơn là phải làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

"Đối với đất nhà ở xã hội của TP.Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho phép không cần bố trí theo từng dự án, mà có thể bố trí tập trung, vậy TP.Hà Nội đánh giá về vấn đề này như thế nào? Nên theo từng dự án hay tiếp tục bố trí tập trung nhà ở xã hội?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Đồng thời đề nghị, UBND TP.Hà Nội báo cáo lại diện tích, số lượng nhà tái định cư chưa sử dụng, diện tích tầng thương mại của khu tái định cư đang bỏ trống và làm rõ vì sao không khai thác được, có vướng mắc gì ở thể chế, chính sách không hay do tổ chức thực hiện.

Từng đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhận định, tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.

Do đó, cơ quan thẩm tra kiến nghị, xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện. Có giải pháp khắc phục các bất cập trong chuyển đổi số, quản lý, sử dụng tài nguyên số, băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, cơ sở dữ liệu...

Cùng với đó, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng quốc gia. Không phân bổ vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn; Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân để bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Quốc hội: “Hà Nội cần rà soát, tránh lãng phí nguồn lực đất đai”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới